Chuyển đổi số ngành Y tế Chuyển đổi số ngành Y tế
Đau đầu, lười ăn do căng thẳng học tập

Hỏi: Con tôi đang phải ôn thi kỳ thi THPT quốc gia. Việc học của cháu căng thẳng, thường xuyên phải thức khuya để học bài. Dạo gần đây cháu tôi thường xuyên kêu đau đầu, mệt mỏi, đau bụng, lười ăn. Tôi phải làm sao để giúp cháu giảm bớt tình trạng này? (Chị Nguyễn Thị Hòa, phường Thắng Nhì, TP.Vũng Tàu)

Trả lời: Stress, căng thẳng trong học tập có thể khiến trẻ dễ bị mất ngủ gây ra tình trạng đau đầu. Cộng thêm việc ít vận động, ăn uống thất thường, do tập trung vào việc học dẫn đến suy nhược cơ thể, đau dạ dày. Do đó, chị  cần giúp con ôn tập và sinh hoạt hợp lý. Cháu cần ngủ đủ ít nhất 6 tiếng/ngày. Khi cơ thể thiếu ngủ, khả năng tiếp thu và tập trung sẽ giảm sút nên dù cố thức thêm vài tiếng để học cũng không tăng thêm hiệu quả so với việc đi ngủ lấy sức. Trong thời gian học cần có khoảng thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Thời gian học tập tốt nhất bắt đầu từ 6 giờ tối đến 11 giờ tối. Đây là thời điểm não bộ đủ tỉnh táo và tiếp thu kiến thức được tốt hơn. Có thể tập một vài động tác thể dục để lưu thông tuần hoàn máu, uống nước, hay nghe nhạc... sau đó mới tiếp tục vào bàn học. Tránh việc ngồi liên tục, quá lâu sẽ làm mắt bị mỏi, cột sống cũng chịu sức ép dễ dẫn đến đau lưng.

Bên cạnh đó, các em cần có chế độ ăn uống hợp lý, ăn đủ bữa, đủ dinh dưỡng. Các thức ăn nên dễ tiêu, nhuận tràng. Dùng nhiều rau, hoa quả tươi để bổ sung vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Tránh sử dụng thực phẩm cà phê, thuốc lá, thức ăn quá cay nóng. Một điều chú ý nữa là, thời điểm mùa thi là mùa nắng nóng, cơ thể cần nhiều nước. Bình thường, mỗi ngày cơ thể cần khoảng 2,5 lít nước, riêng nước uống là 1,2- 1,5 lít. Những ngày nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời có thể lên đến 390C hoặc hơn, cơ thể bị mất nhiều mồ hôi, các em cần uống nhiều nước hơn…

Để học sinh ôn thi tốt, các gia đình nên hỗ trợ giúp các em giảm áp lực bằng cách cùng con tạo dựng kế hoạch học tập hợp lý, tạo cho con bữa ăn giàu dinh dưỡng, cân đối. Thường xuyên theo dõi và nắm bắt nhu cầu, diễn biến tâm lý của con để có thể chia sẻ, động viên con đúng lúc, tránh tạo áp lực thành tích lên con; không trách mắng con nếu con đã cố gắng học tập nhưng vẫn không đạt thành tích theo ý muốn…

Bác sĩ HOÀNG VĂN ĐỨC
(Bệnh viện Tâm thần tỉnh)