Chuyển đổi số ngành Y tế Chuyển đổi số ngành Y tế
Dự trữ thực phẩm không đúng cách: Dễ gây ngộ độc

Do bận rộn với công việc, không ít bà nội trợ thường mua thực phẩm dự trữ dùng trong nhiều ngày. Tuy nhiên, nếu thực phẩm dự trữ lâu mà không được bảo quản đúng cách, có thể gây ra ngộ độc thực phẩm cho người dùng.

Khách hàng mua rau, củ, quả tại siêu thị Co.op Mart Vũng Tàu (36, Nguyễn Thái Học, phường 7, TP. Vũng Tàu). Ảnh: BÙI HƯƠNG
Khách hàng mua rau, củ, quả tại siêu thị Co.op Mart Vũng Tàu (36, Nguyễn Thái Học, phường 7, TP. Vũng Tàu). Ảnh: BÙI HƯƠNG

Vào những ngày cuối tuần, chị Nguyễn Thị Minh, phường 7, TP.Vũng Tàu thường đi chợ mua nhiều thực phẩm tươi, sống dự trữ trong tủ lạnh để dùng cho cả tuần. Buổi sáng trước khi đi làm, chị nấu thức ăn cho cả nhà và chia ra hai phần dành cho bữa trưa và bữa tối. Thế nhưng, thức ăn sau khi đã chia ra chị sắp lên bàn và dùng lồng bàn che đậy lại, chứ không bảo quản trong tủ lạnh. Chỉ những thức ăn thừa trong bữa, kể cả canh rau, chị mới bao lại bằng giấy bọc thực phẩm, hoặc cho vào hộp cất vào tủ lạnh để ngày hôm sau sử dụng. Vì nhà ít người, có khi chị Minh kho một nồi thịt, cất vào tủ lạnh ăn dần trong cả tuần. Chị Minh cho rằng, cách bảo quản như vậy sẽ tránh cho thức ăn không bị ôi thiu, biến chất.

Không ít bà nội trợ cũng có cùng suy nghĩ với chị Minh trong việc bảo quản thực phẩm; tuy nhiên, theo các bác sĩ, các chuyên gia ATVSTP, đây là một trong những sai lầm về bảo quản thực phẩm mà các bà nội trợ thường mắc phải, và là một trong những nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm.

Bác sĩ Đào Thị Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết, việc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh với nhiệt độ thấp có thể giúp ức chế sự sinh sản và phát triển của vi khuẩn, giữ cho thực phẩm tươi lâu, không bị bốc mùi. Tuy nhiên, thực phẩm để trong tủ lạnh không có nghĩa sẽ an toàn 100%. Nhiều nghiên cứu cho thấy, thịt, cá để trong tủ lạnh càng lâu càng dễ biến chất, giảm hàm lượng dinh dưỡng và sinh ra nhiều chất gây hại cho sức khỏe người dùng. Quá trình cấp đông và rã đông làm mất 1/3 chất béo hoà tan trong thịt, một số chất gần như mất hết. Nhìn chung, tổng hàm lượng dinh dưỡng sau mỗi lần làm đông - rã đông đều giảm 20%. Do đó, chỉ nên dự trữ thịt cá trong tủ lạnh một thời gian nhất định chứ không nên để quá lâu. Khi bảo quản trong tủ lạnh thực phẩm cần được bọc kín, thức ăn sống và chín để ở những khu vực riêng biệt, tránh sự nhiễm khuẩn chéo.

Do lối sống hiện đại, công việc bận rộn nên nhiều gia đình có thói quen chế biến thực phẩm một lần nhưng dùng nhiều lần. Thực ra, những thực phẩm đã chế biến và để trong phòng ở nhiệt độ bình thường từ 2 giờ trở lên cần được sử dụng hết trong ngày. Nếu cất vào hộp kín và trữ trong tủ lạnh thì tuổi thọ của các thực phẩm này cũng không quá 2 ngày. Sau khoảng thời gian này, thực phẩm sẽ có hại nếu tiếp tục sử dụng. Thức ăn lưu trữ lâu đồng nghĩa với số lượng vi khuẩn gia tăng, khi đó, nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ những món ăn để lâu ngày là rất lớn. Vì vậy, thức ăn còn dư, muốn để dùng lại cho bữa sau cần phải được đun sôi, để nguội, bọc kín rồi mới cho vào tủ lạnh bảo quản. Khi sử dụng lại phải đun sôi lần nữa hoặc làm nóng bằng lò vi sóng. Riêng đối với các loại rau xanh đã qua nấu chín phải ăn ngay trong ngày. Do hàm lượng nitrat trong các loại rau xanh khá nhiều, nếu nấu rau xanh xong mà để quá lâu, vi khuẩn phân hủy, lượng nitrat sẽ tạo thành nitrite - chất gây ung thư, cho dù có đun lại đi chăng nữa cũng không thể khử được.

Ngoài ra, một sai lầm phổ biến ở nhiều người là cho rằng có thể nhận biết thực phẩm hỏng qua lớp mốc trên bề mặt thực phẩm hay thực phẩm có mùi vị, màu sắc bị thay đổi. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy, rất nhiều loại thực phẩm khi bắt đầu hỏng sẽ không có bất kỳ thay đổi gì về mùi vị cũng như bề mặt ngoài thực phẩm. Nhưng khi ăn phải những loại thực phẩm này, người dùng vẫn bị ngộ độc, mà biểu hiện cơ bản nhất là đau bụng, buồn nôn.

NGUYỄN THI