Chuyển đổi số ngành Y tế Chuyển đổi số ngành Y tế
PHÒNG LÂY TRUYỀN HIV/AIDS TỪ MẸ SANG CON: Mẹ hiểu biết, con khỏe mạnh

Việc điều trị dự phòng cho những trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV/AIDS có được duy trì tốt hay không phụ thuộc vào ý chí của bà mẹ. Bà Nguyễn Thị Lang, Trưởng Nữ hộ sinh Bệnh viện Lê Lợi cho biết, những năm trước, khi mới bắt đầu triển khai chương trình dự phòng lây truyền mẹ con (PLTMC), còn nhiều trường hợp trốn điều trị, hoặc không tiếp tục điều trị. Một số trường hợp khi đăng ký điều trị lại khai địa chỉ "ảo" nên về sau nhân viên y tế bị mất dấu bệnh nhân, không thể theo dõi, hỗ trợ tại cộng đồng. Đa số những trường hợp này đều do mặc cảm, tự ti nên sợ rằng sẽ có nhiều người biết bản thân bị bệnh mà xa lánh, ruồng bỏ. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng này đã giảm nhiều. Trung bình hằng năm, khoa tiếp nhận điều trị dự phòng từ 13 đến 14 ca phụ nữ mang thai (PNMT) nhiễm HIV/AIDS. Hầu hết trong số đó đều tuân thủ khám thai, điều trị và điều trị dự phòng tốt cho cả mẹ và con .

Nhân viên y tế hỗ trợ bà mẹ chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Lê Lợi (ảnh minh họa).

Nhân viên y tế hỗ trợ bà mẹ chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Lê Lợi
(ảnh minh họa).

Theo bà Lý Tuyết Mai, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, hiện nay các cơ sở y tế triển khai dịch vụ PCLTMC đều có phòng tư vấn theo nhóm bệnh nhân hoặc theo từng người, giúp bệnh nhân hiểu và thực hiện tốt việc tuân thủ quy trình điều trị, chăm sóc cho mẹ và con. Tất cả bác sĩ, nhân viên của khoa đều được trang bị kiến thức về chương trình để có thể tư vấn và hỗ trợ tốt cho bệnh nhân. Các phòng tư vấn này là nơi tin cậy của PNMT nhiễm HIV/AIDS. Ý thức của PNMT nhiễm HIV/AIDS đến khám, điều trị đã tốt hơn trước, rất hiếm trường hợp bỏ điều trị, hoặc ngưng điều trị giữa chừng. Với các trường hợp chuyển sang nơi khác, bác sỹ sẽ làm phiếu chuyển tiếp để tiếp tục theo dõi và điều trị tại cơ sở y tế nơi chuyển tới.

Theo bà Mai, để chương trình PLTMC đạt hiệu quả tốt, phụ nữ mang thai (PNMT) nhiễm HIV/AIDS cần được nâng cao nhận thức về điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Để làm được điều này, quan trọng nhất là phải tuyên truyền cho người dân hiểu được lợi ích, tầm quan trọng của chương trình PLTMC đối với bản thân, gia đình, xã hội.

"Tất cả trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV đều được làm xét nghiệm chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV bằng xét nghiệm PCR (xét nghiệm tìm kháng nguyên) để trẻ có cơ hội tiếp cận sớm với thuốc điều trị đặc hiệu. Ngoài các điểm "trọn gói", 8/8 huyện, thành phố và Trung tâm CSSKSS tỉnh triển khai hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV cho thai phụ. Hiện nay, chương trình PLTMC của tỉnh đang được triển khai với những định hướng mới đối với các can thiệp về PLTMC như tư vấn xét nghiệm HIV cho thai phụ ở giai đoạn sớm. Điều trị PLTMC bằng thuốc ARV sớm theo phác đồ 3 thuốc", bà Mai cho biết thêm.

Bài, ảnh: MINH THIÊN