Thông tin Y tế
Việt Nam tăng cường giám sát, chuẩn bị năng lực chẩn đoán, điều trị để đối phó với dịch đậu mùa khỉ
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị tập trung năng lực tăng cường giám sát và phát hiện bệnh đậu mùa khỉ tại tất cả cửa khẩu và các tỉnh, thành thông qua giám sát bệnh truyền nhiễm, cơ sở y tế. Đồng thời, cần xây dựng các kịch bản đối phó. Hiện Việt Nam đang ở nhóm 1 chưa có ca bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị tập trung năng lực tăng cường giám sát và phát hiện bệnh đậu mùa khỉ tại tất cả cửa khẩu và các tỉnh, thành thông qua giám sát bệnh truyền nhiễm, cơ sở y tế. Đồng thời, cần xây dựng các kịch bản đối phó. Hiện Việt Nam đang ở nhóm 1 chưa có ca bệnh.
Tại cuộc họp khẩn bàn phương án ứng phó với dịch đậu mùa khỉ đang gây ra 16 nghìn ca bệnh trên thế giới diễn ra chiều ngày 24/7 do Bộ Y tế tổ chức theo hình thức trực tuyến và trực tiếp, nhiều chuyên gia cho rằng cần có đánh giá xem tác nhân gây bệnh đậu mùa khỉ có phải bệnh truyền nhiễm nhóm A không để có kế hoạch về sau.
Tuần tới, sẽ tập huấn cho các cơ sở y tế về điều trị bệnh đậu mùa khỉ
Về vấn đề giám sát Việt Nam chưa ghi nhận nhưng nguy cơ lây qua cửa khẩu, khách nhập cảnh lớn vì thế chúng ta cần tăng cường giám sát tại cửa khẩu, đặc biệt là khách đến từ các quốc gia đang có dịch, cần có tuyên truyền, có pano, thông tin, tờ rơi…
Đồng thời, cần giám sát trong cộng đồng những trường hợp phát ban, nốt phỏng. Theo WHO cơ bản các ca mắc là nam giới chiếm 98%, trong đối đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới tương đối cao.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chủ trì họp trực tuyến để bàn các biện pháp ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ tại đầu cầu Viện Pasteur TP HCM Ảnh: Trần Minh
"Tuy nhiên, chúng tôi đang đề nghị WHO cập nhật thêm quy trình chẩn đoán vì chúng ta chưa có quy trình chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ trong phòng thí nghiệm. Chúng ta đang đợi nhận bộ mồi và trứng dương của WHO cung cấp"- GS Đặng Đức Anh nói.
Về vaccine, theo thông tin CDC Hoa Kỳ có 2 loại vaccine được FDA cấp phép sử dụng. Đây đều là vaccine có thành phần virus sống, sử dụng hai liều, mỗi liều cách nhau 4 tuần, cho những người trên 18 tuổi, tuy nhiên vẫn đang thảo luận về cách sử dụng- sử dụng vaccine trước hay sau khi phơi nhiễm. Trong khuyến cáo thì sử dụng cho nhóm nguy cơ rất cao, người phơi nhiễm, không sử dụng đại trà.
PGS.TS Nguyễn Vũ Trung – Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM bày tỏ mong muốn WHO, CDC hỗ trợ một số đơn vị ở Việt Nam các hóa chất, sinh phẩm để dùng phát hiện trường hợp nghi ngờ và ca bệnh đầu mùa.
"Chúng tôi mong muốn Bộ Y tế, WHO, CDC có khuyến cáo tạm thời dùng một số hóa chất sinh phẩm dùng trong nghiên cứu, phòng xét nghiệm trong tình huống cần khẩn cấp, tạm thời để sàng lọc ca nhiễm"- PGS.TS Nguyễn Vũ Trung nói.
Về năng lực xét nghiệm, GS.TS Đặng Đức Anh- Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, Cục Y tế Dự phòng đã phối hợp với các Viện đề nghị WHO, CDC hỗ trợ các sinh phẩm, quy trình xét nghiệm. Đến nay, WHO đã khẳng định cung cấp mồi như trứng dương cho 4 Viện. Ảnh: Trần Minh
Đối với công tác điều trị, TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế thông tin, ngay sau khi nhận thông tin bùng phát đậu mùa khỉ trên thế giới, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã soạn thảo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị.
"Tuần tới, chúng tôi sẽ tiến hành tập huấn cho các cơ sở y tế. Đa số ca bệnh đều là những trường hợp nhẹ, một số trường hợp có biến chứng như nhiễm khuẩn huyết, biến chứng phổi, não. Chúng tôi phân ra tuyến xã, huyện điều trị ca nhẹ, tuyến tỉnh và tuyến cuối điều trị ca biến chứng", TS Khoa thông tin.
Đồng quan điểm với chuyên gia WHO, Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa cho rằng, đường lây chính đậu mùa khỉ là do tiếp xúc trực tiếp và giọt bắn, nguy cơ lây ở cơ sở y tế khá cao, phải có phương án phòng hộ cho nhân viên y tế.
Về chẩn đoán, do Việt Nam chưa có bộ kít xét nghiệm đậu mùa khỉ, trước mắt chúng ta dựa vào triệu chứng lâm sàng để sàng lọc. Sau này có các chẩn đoán cận lâm sàng đặc hiệu sẽ áp dụng.
BS Đỗ Hồng Hiên, Chuyên gia dịch tễ, Tổ chức WHO tại Việt Nam, cho biết thêm về sinh phẩm xét nghiệm. Hiện Nhật Bản đã sẵn sàng cung cấp cho Việt Nam một số sinh phẩm nhất định, sẽ được chuyển về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện dịch tễ Pasteur TP HCM.
Chuyên gia của WHO cũng cho rằng: do khó trong việc chẩn đoán bệnh, ca bệnh lâm sàng không điển hình vì vậy chúng ta cần truyền thông để các ca có triệu chứng chủ động đến cơ sở khám chữa bệnh sớm để bảo vệ mình và cộng đồng.
Đại diện WHO tại Việt Nam (áo đen) dự cuộc họp khẩn chiều 24/7 tại đầu cầu Bộ Y tế Ảnh: Trần Minh
Tập trung năng lực tăng cường giám sát và phát hiện bệnh đậu mùa khỉ tại tất cả cửa khẩu
Phát biểu tại cuộc họp, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhận định bệnh đậu mùa khỉ khó lây, lây qua tiếp xúc trực tiếp qua giọt bắn lớn và không lây qua không khí. Bên cạnh đó, hiện nay thế giới chưa có thuốc đặc hiệu, vaccin đặc biệt cho bệnh. Việt Nam cũng không còn dữ trự vaccine đậu mùa.
Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị tập trung năng lực tăng cường giám sát và phát hiện bệnh tại tất cả cửa khẩu và các tỉnh, thành thông qua giám sát bệnh truyền nhiễm, cơ sở y tế. Đồng thời, cần xây dựng các kịch bản đối phó. Hiện Việt Nam đang ở nhóm 1 chưa có ca bệnh, vậy ứng phó khi vào nhóm 2,3,4 thì như thế nào.
"Việt Nam chưa có ca bệnh song phải xây dựng kịch bản phản ứng với dịch cho các tình huống có ca bệnh, ca nhập cảnh, ca bệnh trong cộng đồng… khi có kịch bản, xử lý nhanh và sẵn sàng ứng phó", Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Về năng lực xét nghiệm, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương hiện nay chúng ta đang chờ hỗ trợ về sinh phẩm xét nghiệm từ WHO, tuy nhiên theo báo cáo của Viện Pasteur TP HCM, chúng ta có thể dùng sinh phẩm trong phòng thí nghiệm để có thể chẩn đoán bệnh trong trường hợp khẩn cấp.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương cũng đề nghị nhanh chóng hoàn thiện quy trình xét nghiệm chẩn đoán đậu mùa khỉ vì không có hướng dẫn, không thể chẩn đoán ca mắc.
"Hàng tuần Cục Y tế Dự phòng làm đầu mối họp với các đơn vị để cập nhật tình hình thống nhất các biển pháp triển khai trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, cần có công điện gửi ngay cho các tỉnh thành phố, bộ ngành liên quan để cùng phối hợp thực hiện"- Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu.
Về việc phân loại bệnh đậu mùa khỉ là bệnh nhóm A, hay B, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị Cục Dự phòng họp với các đơn vị đề xuất sớm. Hiện bệnh đậu mùa chung đang ở nhóm A.
Tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát và các biện pháp phòng chống, truyền thông, phòng chống lây nhiễm trong cơ sở y tế, chăm sóc điều trị bệnh nhân đậu mùa khỉ. Phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế, nông nghiệp và các bộ ngành liên quan trong việc quản lý buôn bán, sử dụng, phòng chống dịch từ động vật hoang dã, đặc biệt là nhóm động vật có nguy cơ cảm nhiễm cao.
Tại cuộc họp Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng đề nghị tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát và các biện pháp phòng chống, truyền thông, phòng chống lây nhiễm trong cơ sở y tế, chăm sóc điều trị bệnh nhân đậu mùa khỉ. Phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế, nông nghiệp và các bộ ngành liên quan trong việc quản lý buôn bán, sử dụng, phòng chống dịch từ động vật hoang dã, đặc biệt là nhóm động vật có nguy cơ cảm nhiễm cao.
Thứ trưởng cũng đề xuất WHO, CDC Hoa Kỳ hỗ trợ một lượng vaccine nhất định để có thể tiêm cho nhóm nguy cơ cao, đặc biệt là trong trường hợp xuất hiện tại Việt Nam. Về thuốc kháng virus nếu có, Việt Nam cũng mong muốn nhận được hỗ trợ.
"Chúng tôi mong muốn WHO và CDC Mỹ và các tổ chức giúp Việt Nam cập nhật thông tin, tăng cường năng lực chẩn đoán, phát hiện, điều trị, hỗ trợ vắc xin để tiêm cho nhóm nguy cơ cao và ca bệnh xuất hiện tại Việt Nam, thuốc kháng virus nếu có"- PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương cho biết thêm./.
Nguồn: https://moh.gov.vn