Thông tin chỉ đạo điều hành Thông tin chỉ đạo điều hành
Tăng cường công tác phòng, chống bệnh Sởi

Thực hiện Công văn số 1276/BYT-DP ngày 19/3/2024 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh Sởi;

Căn cứ Thông báo số 749/TB-PAS ngày 15/3/2024 của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh về kết quả cuộc họp "Tăng cường giám sát và phòng chống bệnh Sởi, bệnh Dại và các bệnh truyền nhiễm tại khu vực phía Nam";

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gần đây đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh Sởi và nguy cơ bùng phát dịch Sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới. Theo dữ liệu của WHO, tại khu vực châu Âu, số ca mắc bệnh năm 2023 là hơn 300.000 ca (tăng hơn 30 lần so với năm 2022). Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca mắc bệnh Sởi đã tăng 255% từ năm 2022 đến năm 2023. Theo WHO, tại Việt Nam, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong thời gian qua và việc gián đoạn cung ứng các vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) năm 2023 đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin cho trẻ em trên toàn quốc. Nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi các vắc xin trong những năm gần đây là yếu tố nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh bao gồm Sởi. Theo báo cáo của hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm đến nay ghi nhận rải rác 42 trường hợp mắc bệnh Sởi và sốt phát ban nghi Sởi tại 13 tỉnh, thành phố, không ghi nhận ổ dịch tập trung.

Để đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch Sởi trong thời gian tới, Sở Y tế đề nghị các đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung, cụ thể như sau:

1. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh:

- Triển khai tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh Sởi tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.

- Triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh.

- Chủ trì, phối hợp Bệnh viện Bà Rịa tổ chức triển khai tập huấn cho tất cả cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh (bao gồm cả tư nhân) đảm bảo phát hiện được các trường hợp nghi sởi; kiểm soát nhiễm khuẩn; lấy mẫu, xét nghiệm đúng quy định.

- Tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho các đối tượng thuộc Chương trình TCMR, trong đó có tiêm vắc xin Sởi cho trẻ 9 tháng tuổi và vắc xin Sởi - Rubella cho trẻ 18 tháng tuổi.

- Tổ chức tốt và củng cố hoạt động tiêm chủng thường xuyên. Rà soát, thống kê, quản lý đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi để tổ chức tiêm bù, tiêm vét nhằm không để sót đối tượng trong Chương trình TCMR, đặc biệt chú ý đến vùng lõm tiêm chủng.

- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh Sởi và các biện pháp phòng chống, vận động người dân đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch các vắc xin trong Chương trình TCMR để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh;

- Tăng cường truyền thông về bệnh Sởi tại các khu dân cư, trường học; vận động tiêm vắc xin chứa thành phần Sởi cho nhóm nguy cơ cao như: trẻ em dưới 5 tuổi, nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị (khoa nhiễm, nhi, cấp cứu...), phụ nữ trước khi mang thai, lưu ý các địa phương di biến động dân cư (khu nhà trọ, khu công nghiệp, khu cửa biển...).

- Tiến hành đánh giá vùng nguy cơ sởi để ưu tiên triển khai các hoạt động phòng ngừa dịch bệnh. Chủ động thành lập đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động giám sát và phòng chống Sởi nhằm nâng cao chất lượng hoạt động giám sát tại tất cả các tuyến và báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát về Sở Y tế.

- Giám sát, yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm hướng dẫn, giám sát các trường hợp sốt phát ban nghi sởi, rubella tại Công văn số 2221/SYT-NV ngày 06/7/2023 của Sở Y tế

2. Bệnh viện Bà Rịa; Bệnh viện Vũng Tàu; Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh:

- Chú ý trong chẩn đoán phát hiện sớm, thông báo ca bệnh kịp thời và điều trị hiệu quả; đảm bảo phát hiện được các trường hợp nghi sởi; kiểm soát nhiễm khuẩn; lấy mẫu, xét nghiệm đúng quy định; chuẩn bị sẵn sàng thuốc điều trị, phương tiện hồi sức cấp cứu.

- Rà soát, yêu cầu nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị (công tác tại khoa nhiễm, khoa nhi, khoa cấp cứu...) chủ động tiêm vắc xin chứa thành phần Sởi (nếu chưa tiêm).

- Thực hiện nghiêm hướng dẫn, giám sát các trường hợp sốt phát ban nghi sởi, rubella tại Công văn số 2221/SYT-NV ngày 06/7/2023 của Sở Y tế.

- Nghiêm túc thực hiện nhập liệu, báo cáo kịp thời theo quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế về hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

3. Đề nghị Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố:

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc, liên quan triển khai thực hiện các nội dung sau:

- Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh Sởi tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn quản lý; triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh.

- Tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho các đối tượng thuộc Chương trình TCMR, trong đó có tiêm vắc xin Sởi cho trẻ 9 tháng tuổi và vắc xin Sởi - Rubella cho trẻ 18 tháng tuổi.

- Tổ chức tốt và củng cố hoạt động tiêm chủng thường xuyên. Rà soát, thống kê, quản lý đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi để tổ chức tiêm bù, tiêm vét nhằm không để sót đối tượng trong Chương trình TCMR, đặc biệt chú ý đến vùng lõm tiêm chủng.

- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh Sởi và các biện pháp phòng chống, vận động người dân đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch các vắc xin trong Chương trình TCMR để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh.

- Tăng cường truyền thông về bệnh Sởi tại các khu dân cư, trường học trên địa bàn quản lý; vận động tiêm vắc xin chứa thành phần Sởi cho nhóm nguy cơ cao như: trẻ em dưới 5 tuổi, nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị (khoa nhiễm, nhi, cấp cứu...), phụ nữ trước khi mang thai, lưu ý các địa phương di biến động dân cư (khu nhà trọ, khu công nghiệp, khu cửa biển...).

- Tiến hành đánh giá vùng nguy cơ bệnh Sởi để ưu tiên triển khai các hoạt động phòng ngừa dịch bệnh.

- Rà soát, yêu cầu nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị (công tác tại khoa nhiễm, khoa nhi, khoa cấp cứu...) chủ động tiêm vắc xin chứa thành phần Sởi (nếu chưa tiêm).

- Thực hiện nghiêm hướng dẫn, giám sát các trường hợp sốt phát ban nghi sởi, rubella tại Công văn số 2221/SYT-NV ngày 06/7/2023 của Sở Y tế.

- Nghiêm túc thực hiện nhập liệu, báo cáo kịp thời theo quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế về hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

4. Đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bà Rịa-Vũng Tàu:

Phối hợp truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài phát thanh, truyền hình, truyền thanh, báo chí… để người dân được biết, hiểu và chủ động trong công tác phòng chống bệnh Sởi:

- Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh Sởi và các biện pháp phòng chống, vận động người dân đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch các vắc xin trong Chương trình TCMR để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh.

- Tăng cường truyền thông về bệnh Sởi tại các khu dân cư, trường học; vận động tiêm vắc xin chứa thành phần Sởi cho nhóm nguy cơ cao như: trẻ em dưới 5 tuổi, nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị (khoa nhiễm, nhi, cấp cứu...), phụ nữ trước khi mang thai, lưu ý các địa phương di biến động dân cư (khu nhà trọ, khu công nghiệp, khu cửa biển...).

5. Đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo:

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc/liên quan tăng cường truyền thông bệnh Sởi tại các trường học, cơ sở giáo dục; tuyên truyền đến các phụ huynh học sinh về nguy cơ mắc bệnh Sởi và các biện pháp phòng chống, vận động phụ huynh học sinh đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch các vắc xin trong Chương trình TCMR để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh.

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch Sởi trong thời gian tới, Sở Y tế đề nghị các đơn vị phối hợp triển khai thực hiện./.