Thông tin chỉ đạo điều hành Thông tin chỉ đạo điều hành
Sở Y tế họp bàn tăng cường các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, tay chân miệng và viêm não - màng não

Theo báo cáo của TTYTDP tỉnh, tới trung tuần tháng 8/2016, tuy không có sự gia tăng đột biến nhưng số mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh cũng ghi nhận tăng hơn so với cùng kỳ năm 2015 và đã có một trường hợp tử vong. Trên bình diện cả nước, khu vực Tây Nguyên, SXH đang tăng cao. Dự báo năm 2016, SXH có thể bùng phát trên diện rộng do chu kỳ của dịch và có nhiều yếu tố thuận lợi cho dịch phát triển. Bệnh tay chân miệng (TCM) tuy có số mắc giảm so với cùng kỳ nhưng chuẩn bị bước vào năm học mới nên cũng có nhiều nguy cơ, nhất là đối tượng trẻ trong các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình. Mới đây, tại huyện Xuyên Mộc đã ghi nhận 01 trường hợp bị mắc bệnh Viêm não Nhật Bản B (bệnh cũng do muỗi truyền)…

Trước tình hình đó, ngày 16/8/2016, Bs Nguyễn Văn Thái – Phó Giám đốc Sở Y tế đã chủ trì cuộc họp nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh nói chung và các bệnh trên nói riêng. Tham dự có lãnh đạo các phòng chức năng của Sở Y tế; đại diện lãnh đạo và cán bộ chuyên môn liên quan của TTYTDP, Trung tâm TT-GDSK, BV Bà Rịa, BV Lê Lợi, các TTYT, phòng Y tế huyện, thành phố.

Bs Nguyễn Văn Thái – PGĐ Sở Y Tế chỉ đạo tại hội nghị

Sau khi nghe các đơn vị, bộ phận liên quan báo cáo, các thành viên dự họp đóng góp ý kiến, đề xuất các giải pháp tăng cường phòng chống dịch, Bs Nguyễn Văn Thái – Phó Giám đốc Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị cần tăng cường các biện pháp phòng chống dịch chủ động, phát hiện sớm, điều trị kịp thời các ca mắc; giám sát chặt chẽ, xử lý kịp thời các ổ dịch nhỏ, kiên quyết không để dịnh lan rộng, bùng phát; Tăng cường công tác truyền thông thay đổi hành vi, hướng dẫn người dân tự thực hiện các biện pháp phòng bệnh, cán bộ y tế tham mưu về chuyên môn; Tranh thủ sự ủng hộ, vào cuộc của các cấp chính quyền, các cơ quan thông tin đại chúng, các ban ngành đoàn thể; Đẩy mạnh sự phối hợp giữa ngành Y tế và ngành GD&ĐT trong công tác phòng chống dịch bệnh và y tế trường học… Đối với dịch bệnh SXH (và cả bệnh Viêm não Nhật Bản B) vấn đề cốt lõi là hướng dẫn người dân thường xuyên tự diệt muỗi, diệt lăng quăng hàng tuần, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, phòng ngừa muỗi đốt. Đối với dịch bệnh TCM, biện pháp quan trọng hàng đầu là vấn đề vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường, vệ sinh đồ chơi, vật dụng của trẻ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch cho trẻ và người giữ trẻ…Lãnh đạo các TTYT, phòng Y tế huyện, thành phố cần chú trọng công tác tham mưu thật tốt cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch tại địa phương, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, huy động mọi nguồn lực có thể cho công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

T4G