Chuyển đổi số nghành Y tế Chuyển đổi số nghành Y tế
Phiên họp lần 2 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng 27/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, chủ trì Phiên họp lần thứ 2 của Ủy ban để đánh giá tình hình triển khai các nhiệm vụ theo kết luận tại phiên họp thứ nhất; kết quả thực hiện quý I năm 2022 và xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai trong quý II năm 2022.

Phiên họp được kết nối trực tuyến đến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có ông Trần Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Chuyển đồi số tỉnh cùng các thành viên Ban chỉ đạo, thành viên Tổ giúp việc Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh BR-VT.

ttg.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ 2 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá các nhiệm vụ được triển khai trong thời gian qua, những kết quả đạt được, những việc chưa làm được, phân tích, chỉ rõ nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan và bài học kinh nghiệm; đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới. Với tinh thần "quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, làm thật, làm quyết liệt, làm hiệu quả, ra sản phẩm", có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển, Thủ tướng nêu rõ: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế và xã hội số. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm tới công tác chuyển đổi số, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số. Đây cũng là lĩnh vực được người dân, cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm.

Cũng tại Phiên họp này, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã công bố Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia.

PCTCDS27-4.jpg
Ông Trần Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo chuyển đồi số tỉnh dự tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Báo cáo tại Phiên họp, đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số - đã khái quát tình hình và kết quả nổi bật trên 8 lĩnh vực: nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn-an ninh mạng, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, theo ước tính tổng doanh thu kinh tế số quý I/2022 đạt khoảng 53 tỷ USD; kinh tế số nền tảng có tốc độ tăng trưởng 28%, đạt doanh thu 8 tỷ USD, còn lại là kinh tế số ICT và kinh tế số ngành, với tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình khoảng 15%. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp công nghệ số thành lập mới tính đến hết tháng 02/2022 đạt 65.329 doanh nghiệp, tăng 487 doanh nghiệp so với năm 2021.

Quý II năm 2022, Ủy ban Quốc gia đề ra 12 nhiệm vụ trọng tâm như, hoàn thành đánh giá, công bố chính thức danh sách các nền tảng số đáp ứng yêu cầu phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; hoàn thành tổ chức triển khai bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho 10.000 cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, trong các cơ quan truyền thông, báo chí, tạo nên mạng lưới công nghệ số cộng đồng rộng khắp; 100% Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương ban hành Kế hoạch hành động năm 2022 để thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; 100% địa phương thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng và thực hiện sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về việc tổ chức Tổ công nghệ số cộng đồng; 100% các tỉnh, thành phố hoàn thành lựa chọn và công bố các nền tảng số mà địa phương lựa chọn để phục vụ người dân, giải quyết các bài toán của người dân và xã hội trong năm 2022; 100% Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương tổ chức Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2022…

CDS27-4.jpg
Các đại điểu dự tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Các đại biểu dự họp đã thảo luận, chia sẻ đi thẳng vào những vấn đề có trọng tâm, trọng điểm, lĩnh vực cải cách thuế, cải cách hành chính, đào tạo công dân số có liên quan đến người dân, doanh nghiệp như: Tình hình triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia của lãnh đạo Bộ Công an; Phát triển Hệ thống thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dựa trên dữ liệu và theo thời gian thực của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Kế hoạch triển khai đại học số, mở rộng quy mô tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo kỹ sư, cử nhân công nghệ số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo…

Kết luận phiên họp, Thủ tướng lưu ý, phải cương quyết loại bỏ chủ nghĩa hình thức, phô trương trong quá trình chuyển đổi số. "Phải làm bằng cái tâm, bằng cảm xúc" - Người đứng đầu Chính phủ nói; đồng thời cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác chuyển đổi số trong thời gian qua như: một số bộ, ngành, địa phương, đơn vị nhận thức chưa toàn diện; công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách còn chậm, thiếu sự phối hợp; việc đưa chủ trương, chính sách vào cuộc sống, đến người dân, doanh nghiệp còn một khoảng trễ, tổ chức thực thi ở cấp cơ sở còn thiếu quyết liệt; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao, hiệu quả sử dụng còn hạn chế; chưa hình thành được hệ sinh thái công dân số dẫn đến người dân vẫn chưa được thụ hưởng nhiều tiện ích quan trọng;...

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, nói phải đi đôi với làm, đã làm thì phải có hiệu quả, phải có sản phẩm cụ thể. Các bộ, ngành, địa phương phải liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược; coi triển khai hiệu quả chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và làm thay đổi căn bản phương thức quản lý hành chính nhà nước; phải kế thừa, phát huy hơn nữa những kết quả đạt được thời gian qua; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận được nhiều dịch vụ, tiện ích; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; coi trọng công tác truyền thông, tạo sự ủng hộ, đồng thuận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành liên quan....

Về kết quả chuyển đổi số bước đầu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác triển khai thể chế số trên cơ sở bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ chương trình, kế hoạch về chuyển đổi số của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ ngành trung ương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 và bước đầu đạt được một số kết quả nỗi bật sau:

100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4; 100% cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã sử dụng phần mềm Quản lý văn bản và điều hành có đầy đủ chữ ký số theo quy định; hoàn thành kết nối hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến đến 100% cấp xã theo yêu cầu của Chính phủ; là tỉnh đầu tiên trên toàn quốc triển khai kết nối thành công chữ ký số công cộng với Cổng Dịch vụ công của tỉnh; đưa vào sử dụng Tổng đài giải đáp tự động dịch vụ công CALLBOT có khả năng giải đáp toàn bộ thủ tục hành chính công của tỉnh; triển khai tạo 9.000 tài khoản cho hộ sản xuất nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử; đưa vào hoạt động sàn thương mại du lịch, bước đầu thu hút hơn 250 khách sạn, cơ sở lưu trú tham gia sàn; tổ chức Hội chợ du lịch trực tuyến lần thứ nhất; khai trương mạng 5G; nâng tỷ lệ thu cước không tiền mặt từ 46,24% vào tháng 9/2021 lên 58,96% vào tháng 12/2021 đối với dịch vụ viễn thông, truyền hình cáp.

Ngoài ra, Tỉnh đã đưa vào sử dụng 03 hệ thống trợ lý ảo sử dụng công nghệ AI, đó là hệ thống tổng đài giải đáp tự động các dịch vụ công; hệ thống tổng đài tư vấn, hỗ trợ chăm sóc F0 điều trị tại nhà và hệ thống trợ lý ảo cung cấp thông tin cho lãnh đạo, công chức.

Hệ thống trợ lý ảo tổng đài giải đáp tự động các dịch vụ công có khả năng giải đáp được gần 2000 thủ tục hành chính công của tỉnh và sau 1 tháng vận hành đã giải đáp được 3400 câu hỏi của người dân; Tổng đài đài tư vấn, hỗ trợ chăm sóc F0 điều trị tại nhà đã ghi nhận hơn 590.000 cuộc gọi (khoảng 354.000 người) với hơn 578.000 cuộc gọi ra và hơn 12.000 cuộc gọi vào; Trợ lý ảo cung cấp thông tin cho lãnh đạo, công chức được bắt đầu thử nghiệm từ tháng 8/2021 giúp đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, công chức nhanh chóng tra cứu được số liệu kinh tế xã hội của tỉnh một cách mọi lúc, mọi nơi (24/7) với hơn 4.000 câu hỏi, kịch bản mẫu đã được xây dựng để gợi ý và được kết nối dữ liệu từ Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh.
 

Nguồn:https://baria-vungtau.gov.vn/