Thông tin Y tế Thông tin Y tế
Hội nghị trực tuyến sơ kết 06 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ

Chiều nay (12/7), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

12.7 HN Truc tuyen.jpg
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Chính phủ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hội nghị được tổ chức trực tuyến toàn quốc tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ và điểm cầu trụ sở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số; Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Tổ phó Tổ công tác Đề án 06; các thành viên Ủy ban quốc gia và Tổ công tác triển khai Đề án 06, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, lãnh đạo, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc các bộ, lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cấp tỉnh và Tổ công tác triển khai Đề án 06 cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, đại diện một số doanh nghiệp. 

IMG_1689.JPG
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có sự tham dự của ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh (theo Quyết định số 3324/QĐ-UBND ngày 27/10/2022 của UBND tỉnh); các thành viên Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh (theo Quyết định số 967/QĐ-UBND ngày 18/3/2022 của UBND tỉnh).

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2023 là năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới, trong đó tập trung vào số hóa, làm giàu và kết nối dữ liệu; tăng cường bảo vệ dữ liệu; đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công, tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thể hiện quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế số nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển trên không gian mới (không gian số), giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn chuyển đổi số thời gian vừa qua, giải quyết các "điểm nghẽn" nhằm thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam.

Nhiều ngành, địa phương có những cách làm, mô hình hay như: việc xây dựng nhận thức số, đào tạo nhân lực số tại Đà Nẵng; xây dựng hạ tầng số tại Quảng Ninh; thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến với chiến dịch 92 ngày đêm tại Bình Phước; triển khai "trợ lý ảo" trong ngành tòa án; tăng tốc chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa… 

Về cơ sở dữ liệu, đến tháng 6/2023, với sự quyết tâm của Bộ Công an trong tổ chức triển khai Đề án 06, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 bộ, ngành, 04 doanh nghiệp và 63/63 địa phương để phục vụ khai thác thông tin dân cư. Đã tiếp nhận trên 1 tỷ yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin công dân. Trong đó, số yêu cầu tra cứu, xác thực có thông tin đúng (100% trùng khớp các thông tin) với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là hơn 604 triệu yêu cầu; có thông tin sai lệch là 409 triệu yêu cầu.

Việc khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp tiết kiệm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; hạn chế việc di chuyển; thời gian chờ đợi; hạn chế việc phải kiểm tra xác minh mà sử dụng dữ liệu của các bộ, ngành để xác thực, xác minh thông tin trên giấy tờ tùy thân; tinh gọn cán bộ, công chức tiếp dân, giảm tình trạng gặp gỡ trực tiếp, loại bỏ dần tình trạng "tham nhũng vặt"..., giúp tiết kiệm cho xã hội hàng ngàn tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 30/6/2023, đã có 96 bộ, ngành, địa phương (33 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố) hoàn thành kết nối và đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức. Tổng số dữ liệu được đồng bộ tự động về cơ sở dữ liệu quốc gia đến thời điểm này là hơn 2 triệu hồ sơ.

Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia có chuyển biến rõ rệt. Lũy kế đến nay, cổng có hơn 7,77 triệu tài khoản (tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái); hơn 212 triệu hồ sơ đồng bộ; hơn 17,49 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; 17,72 triệu hồ sơ trực tuyến từ cổng; hơn 10,98 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 6 triệu tỷ đồng (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái)…

Tại hội nghị, đại biểu được nghe chia sẻ kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số, kinh nghiệm phát triển hạ tầng số, giải pháp bảo mật an toàn thông tin, kinh nghiệm chuyển đổi số của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, hiệu quả triển khai các mô hình của Đề án 06…

12.7.TT Chinh phu.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ban, ngành, địa trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số và Đề án 06.

Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, ưu tiên phát triển cơ sở dữ liệu; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển hạ tầng công nghệ số; đảm bảo an toàn thông tin. Thủ tướng nhấn mạnh, phải quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06. Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh phát triển nền tảng định danh điện tử, chữ ký số, khẩn trương hoàn thiện hạ tầng thông tin; nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến, tổ chức triển khai dịch vụ công liên thông. Đẩy mạnh ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kết hợp cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành nhằm số hóa dữ liệu, thực hiện hiệu quả, đồng bộ chuyển đổi số, chống tiêu cực, phiền hà.

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tùy theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số, đẩy mạnh kết nối chia sẻ dữ liệu nhằm tạo những giá trị mới. Tập trung nguồn lực chủ động thực hiện chuyển đổi số, cải cách, xây dựng thể chế, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện. Đẩy mạnh hơn nữa tư duy chuyển đổi số, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về chuyển đổi số.

Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trong 06 tháng đầu năm 2023, Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo chỉ đạo của Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số. Đến nay, nhiều chỉ tiêu đã hoàn thành, thậm chí vượt chỉ tiêu của UBQG về chuyển đổi số giao, cụ thể như: tỷ lệ thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 100%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 74%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công tỉnh/ Cổng Dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công đạt 52,3%; tỷ lệ người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương đạt 100%; tỷ lệ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; 97,3% thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh; 98,04% hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng; 84,02% dân số từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; 85% dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử.

Song song đó, việc triển khai kết nối giữa Hệ thống thông tin Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh với các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin chuyên ngành đến nay đã hoàn thành như: CSDLQG về Dân cư; Bảo hiểm; Đất đai; Hệ thống cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách; Hệ thống phần mềm Đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến và cập nhật cơ sở dữ liệu đối tượng Bảo trợ xã hội…

Bên cạnh những kết quả tích cực như trên, công tác chuyển đổi số của tỉnh vẫn còn một số chỉ tiêu do Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số giao trong năm 2023 nhưng chưa có hướng dẫn nên địa phương rất lúng túng để triển khai thực hiện như: 50% hồ sơ thủ tục hành chính được người dân, doanh nghiệp thực hiện trực tuyến từ xa; 10% hoạt động kiểm tra hành chính định kỳ của cơ quan quản lý nhà nước đối với đối tượng quản lý được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số chiếm 16% GRDP; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ chiếm tỷ lệ trên 8,5%...

Về công tác triển khai thực hiện Đề án 06, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai sử dụng thẻ CCCD gắn chip tích hợp BHYT trong khám chữa bệnh tại 118/118 cơ sở khám chữa bệnh, đạt 100% với 246.407 lượt bệnh nhân khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân; phối hợp làm sạch dữ liệu công dân đóng bảo hiểm xã hội, xác thực thông tin với Cơ sở dữu liệu quốc gia về dân cư được 862.820 người, đạt 86,5%; có 284.286/999.545 người tham gia BHXH, BHYT cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID, đạt 28%; Thực hiện thu học phí, thu tiền điện, tiền nước không cần dùng tiền mặt và chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh đã tổ chức thu nhận hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cho 7.999 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh; tổ chức cấp 100% thẻ căn cước công dân cho học sinh chuẩn bị thi THCS, THHP đảm bảo chỉ tiêu Bộ Công an giao; công tác cấp thẻ CCCD gắn chíp cho công dân đến độ tuổi đang cư trú trên địa bàn đủ điều kiện cơ bản đã hoàn thành; đã thu nhận hồ sơ cấp 478.228 tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID, đạt tỷ lệ thu nhận 77,7% và kích hoạt được 225.020/615.198 tài khoản, đạt tỷ lệ 36,6%...

Theo Chỉ số Chuyển đổi số (DTI) quốc gia năm 2022 vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tại Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số ngày 12/7/2023 (hôm qua) thì BR-VT xếp hạng 28/63 tỉnh thành (tăng 01 bậc so với năm 2021). Trong đó, chỉ số Chính quyền số xếp thứ 27, Kinh tế số xếp thứ 43 và Xã hội số xếp thứ 43.

Mặc dù thứ hạng tổng thể chưa phát triển vượt bậc, nhưng BR-VT lại nằm trong nhóm 14 địa phương dẫn đầu về "Thể chế số" (Đà Nẵng, TPHCM, Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Hưng Yên, Long An, BR-VT); Tỉnh cũng nằm trong nhóm 10 địa phương đẫn đầu về "Hạ tầng số" (TPHCM, Đà Nẵng, BR-VT, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Long, Bình Dương, Hậu Giang).

Nguồn:https://baria-vungtau.gov.vn/