Những thông tin trên được bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (BHYT), phụ trách Ban Kiểm soát Quỹ PCTHTL của Bộ Y tế - chia sẻ tại toạ đàm khoa học về "Các giải pháp lồng ghép hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá và các hoạt động nâng cao sức khoẻ" do Bộ Y tế và Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) vừa tổ chức.
Theo bà Trang thời gian qua công tác PCTLTL tại nước ta đạt nhiều thành tựu. Hiện Bộ Y tế, Quỹ PCTHTL đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan đang tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTHTL.
"10 năm qua, chúng ta đã giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Đây là nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong công cuộc PCTHTL, vấn nạn thuốc lá điện tử đang gia tăng, hầu như các địa phương không dành ngân sách chi cho PCTLTL; các bệnh không lây nhiễm cũng có nguồn chi cho PCTHTL nhưng tản mát..."- bà Trang nêu thực trạng.
Chi tiền túi của người dân cho chăm sóc sức khoẻ còn cao chiếm đến 43%, trong khi có thể giảm chi tiền túi bằng phòng bệnh từ xa, sàng lọc bệnh, nâng cao sức khoẻ ngay từ ban đầu, điều trị bệnh từ sớm, tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế cũng giảm chi tiền túi…
"Kinh nghiệm từ một số nước như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) trích từ thuế rượu bia, thuốc lá cho vào quỹ BHYT để dành cho chẩn đoán sớm, điều trị sớm một số bệnh lý có nguy cơ cao như ung thư. Đa dạng hóa các nguồn tài chính cho các hoạt động chăm sóc sức khoẻ..."- bà Trang thông tin.
Thuốc lá là tác nhân gây ung thư, nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường, COPD…
Theo TS Nguyễn Thị Hồng Diễm - Phó Trưởng phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đái tháo đường, hô hấp mạn tính, rối loạn tâm thần đang ngày càng gia tăng. Thuốc lá là tác nhân gây ung thư cho người hút và người hút thụ động; gây nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường, COPD…
Tử vong do bệnh không lây nhiêm trên thế giới có xu hướng tăng nhanh qua các năm. Nếu như năm 2010: có 35 triệu thì năm 2015 tăng lên 38 triệu, đến năm 2019 con số này đã là 41 triệu trường hợp tử vong. 77% trường hợp tử vong do bệnh không lây nhiễm xảy ra ở các nước thu nhập thấp - trung bình.
Đáng nói là 80% bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường týp 2 và 40% ung thư có thể phòng được bằng dinh dưỡng hợp lý, vận động thể lực thường xuyên, đặc biệt là không sử dụng thuốc lá, rượu bia.
Tại Việt Nam, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Có 8/10 người tử vong do các bệnh không lây nhiễm.
Trong khi đó, theo TS Diễm kinh phí cho hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá còn rất khó khăn. Vì thế, chuyên gia đề nghị sửa Luật BHYT, Luật PCTHTL, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và bổ sung các nội dung được BHYT chi trả, gồm: Tư vấn sức khỏe, tư vấn dinh dưỡng, vận động, phát hiện sớm người nguy cơ cao và người mắc bệnh; xây dựng gói dịch vụ cơ bản về bệnh không lây nhiễm được BHYT chi trả; thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Trao đổi thêm về nội dung này, ThS. Lại Minh Châu – đến từ Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam bày tỏ: Việt Nam đang phải đối mặt với những gánh nặng lớn liên quan đến bệnh không lây nhiễm và việc phòng, chống sẽ hạn chế mắc bệnh, tàn tật, tử vong sớm và giảm quá tải bệnh viện. Việc lồng ghép sẽ tăng tính hiệu quả, tiết kiệm chi phí và đảm bảo tính bền vững cho các chương trình can thiệp.
Cần thiết lồng ghép các hoạt động can thiệp có liên quan đến yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm gồm: rượu bia, thuốc lá, đồ uống có đường
ThS Châu thông tin hầu hết các trường hợp tử vong sớm do bệnh không lây nhiễm phần lớn có thể phòng ngừa được bằng cách cho phép hệ thống y tế đáp ứng hiệu quả và công bằng hơn với nhu cầu chăm sóc sức khỏe của những người mắc bệnh không lây nhiễm và tác động đến các chính sách công trong các lĩnh vực ngoài y tế nhằm giải quyết các yếu tố nguy cơ chung—cụ thể là sử dụng thuốc lá, chế độ ăn không lành mạnh, ít vận động thể lực và sử dụng rượu bia có hại và ô nhiễm không khí.
Do đó, ThS Châu khẳng định sự cần thiết của việc lồng ghép các hoạt động can thiệp có liên quan đến các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm bao gồm: rượu bia, thuốc lá, đồ uống có đường và các yếu tố nguy cơ khác, sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực, do nhiều bệnh không lây nhiễm có chung yếu tố nguy cơ, đối tượng tác động và cách tiếp cận, nhằm kiểm soát việc tiêu thụ chúng.
ThS Nguyễn Thị Thu Hương, đại diện Quỹ PCTHTL chuyển đến thông tin: Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của 25 căn bệnh như: đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam.
Đại diện của Quỹ PCTHTL đề xuất: Để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng, giảm tỷ lệ tử vong do sử dụng thuốc lá gây, cần lồng ghép trong xây dựng chính sách, pháp luật, trong công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp liên ngành; Lồng ghép trong công tác truyền thông và nâng cao sức khỏe để giảm thiểu các hành vi nguy cơ, dự phòng mắc bệnh không lây nhiễm; Lồng ghép trong hoạt động kiểm tra, giám sát, quản lý thông tin bệnh không lây nhiễm.
Tham luận tại buổi toạ đàm, bà Vũ Thị Minh Hạnh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế nhấn mạnh vai trò của truyền thông giáo dục sức khoẻ về PCTHTL với các đối tượng như nhà lãnh đạo, quản lý; nhân viên y tế, giáo viên, học sinh - sinh viên; người có uy tín trong cộng đồng, người đang sử dụng thuốc lá, các nhóm tiềm năng…
Bà Hạnh cho rằng cần ngăn cấm các hành vi có hại như hút thuốc lá ở nơi công cộng, phụ nữ mang thai không được hút thuốc lá... Cùng đó, điều chỉnh chính sách vĩ mô về kinh tế - xã hội có liên quan, để góp phần vào việc PCTHTL, Quy hoạch vùng trồng nguyên liệu, quy hoạch sản xuất, kiểm soát phân phối lưu thông, trong đó có cấm lưu hành sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, thuế và giá ...
Phát biểu kết luận tại toạ đàm, bà Trang nhấn mạnh: Vai trò lồng ghép nguồn lực là rất quan trọng, vì hiện thuốc chi cho điều trị các bệnh không lây nhiễm cao và rất đắt tiền; thuốc điều trị các bệnh có nguyên nhân từ thuốc lá chiếm tỉ trọng lớn trong quỹ BHYT. Tuy nhiên, lồng ghép nhưng PCTHTL vẫn phải được tiếp tục đầu tư và quan tâm, không phải dùng Quỹ PCTHTL chi cho các mục đích khác.
"Cơ chế chính sách cho PCTHTL còn nhiều thách thức, nhưng chúng ta sẽ kiên trì sửa đổi để có nguồn lực cho công tác này. Chúng ta cũng đặt mục tiêu có Quỹ nâng cao sức khoẻ và theo kinh nghiệm của Health Bridge thì PCTHTL vẫn là chủ yếu. Đây là bước khởi đầu cho nhiều năm tới nên cần nỗ lực để xây dựng các chính sách tốt cho hoạt động PCTHTL"- bà Trang nhấn mạnh.
Nguồn:https://suckhoedoisong.vn/