Hoạt động Hoạt động
Kiểm tra công tác phòng, chống dịch Sốt xuất huyết tại huyện Châu Đức

Trước tình hình dịch sột xuất huyết (SXH) tại địa bàn Châu Đức diễn biến phức tạp, số mắc tăng cao đột biến so với cùng kỳ 2015, sáng 13/9, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh do Bs. Nguyễn Văn Thái – PGĐ Sở Y Tế làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra và làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch của huyện Châu Đức. Tham gia đoàn có ông Nguyễn Văn Ba – PGĐ Sở GD-ĐT; Lãnh đạo các phòng, đơn vị chuyên môn liên quan của Sở Y tế.

Theo báo cáo của TTYT huyện Châu Đức, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số ca mắc SXH của huyện là 209 ca, tăng 171 ca so với cùng kỳ 2015, trong đó thị trấn Ngãi Giao, xã Bàu Chinh và Kim Long có số ca mắc cao.

Qua trực tiếp kiểm tra ngẫu nhiên ở một số hộ dân, cách ngày kiểm tra chỉ có 3 ngày là ngày tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng trên phạm vi toàn tỉnh (10/9), song tại một số hộ dân còn có dụng cụ, vật phế thải đọng nước có lăng quăng...

Kiểm tra, phát hiện các vật phế thải đọng nước có lăng quăng tại một số hộ dân tổ 1- KP 4- Thị Trấn Ngãi Giao.

 

Để giảm tỷ lệ  số ca mắc SXH trong những tháng cuối năm, Bs Nguyễn Văn Thái đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch của huyện, chính quyền, ngành Y tế, các ban ngành đoàn thể cần tăng cường chỉ đạo và triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong đó ưu tiên hàng đầu là tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, theo tinh thần "nhà nhà tự diệt muỗi, lăng quăng để phòng chống bệnh SXH và bệnh do vi rút Zika", còn ngành Y tế chỉ là cơ quan tham mưu, hướng dẫn chuyên môn, các ban ngành, trường học...tham gia phối hợp. Về ý kiến của người dân, cử tri của huyện đề nghị ngành Y tế cung cấp hóa chất phun diệt muỗi cho mọi nhà để phòng bệnh, Bs Nguyễn Văn Thái nhấn mạnh: "Phun hóa chất diệt muỗi là giải pháp tình thế, là "chữa ngọn", và được thực hiện theo chỉ định nghiêm ngặt của ngành Y tế. Diệt lăng quăng hàng tuần mới là biện pháp căn cơ, hiệu quả nhất. Nếu người dân không tự diệt lăng quăng thường xuyên thì cứ trung bình 1 tuần lại có lứa muỗi trưởng thành mới phát triển từ lăng quăng, chưa nói đến vấn đề phun thuốc không đúng chỉ định sẽ tạo nguy cơ muỗi kháng hóa chất, vấn đề môi trường……"

Bs. Nguyễn Văn Thái –PGĐ Sở y Tế phát biểu tại buổi làm việc

 

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tấn Bản - Phó Chủ tịch UBND huyện, trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch huyện Châu Đức cũng yêu cầu TTYT, Phòng Y tế huyện, các ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn cần khắc phục khó khăn, chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn. Ban chỉ đạo phòng chống dịch của huyện tới đây sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, kiên quyết không để dịch lan rộng, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch SXH nói riêng và các dịch bệnh nói chung, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Ông Nguyễn Tấn Bản- PCT UBND huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường triển khai các biện pháp PC SXH.

 

Tin, ảnh: Thăng Thành