Hoạt động Hoạt động
Phiên họp thứ bảy của Ban chỉ đạo cải cách hành chính Chính phủ

Chiều nay (02/2), tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (Ban chỉ đạo) chủ trì Phiên họp lần thứ 7 của Ban Chỉ đạo để đánh giá kết quả triển khai công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. 

Phiên họp được tổ chức trực tuyến giữa điểm cầu trụ sở Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự phiên họp có các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.

2.2.CCHC.jpg
Toàn cảnh Phiên họp tại điểm cầu Chính phủ

Tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan; các đồng chí Ủy viên Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh (theo Quyết định số 149/QĐ-UBND ngày 03/02/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh).

IMG_2698.JPG
IMG_2701.JPG
Toàn cảnh Phiên họp tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, năm 2023, với phương châm "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả," Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt, tạo động lực, chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính của cả hệ thống hành chính. Nhiều kết quả quan trọng đã đạt được trên cả 6 nội dung trong cải cách hành chính, đó là cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.Trọng tâm trong đó là xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, thủ tục hành chính đang cản trở sự phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện để chỉ đạo, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm; tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Các bộ, cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách Hành chính của Chính phủ về cơ bản đã hoàn thành 57 nhóm nhiệm vụ cải cách hành chính trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ-Trưởng ban Chỉ đạo giao, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Theo kết quả thống kê, các bộ, ngành, địa phương đã đề ra 4.142 nhiệm vụ trong kế hoạch cải cách hành chính và xác định cụ thể trách nhiệm, thời gian triển khai cho từng cơ quan, đơn vị để tổ chức thực hiện; có nơi cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong triển khai từng nhiệm vụ cải cách hành chính được giao; đồng thời, ban hành 5.586 văn bản để chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách hành chính đã đề ra.

Trong năm qua, 20 bộ, cơ quan và 63 địa phương triển khai công tác kiểm tra cải cách hành chính tại 493 cơ quan, đơn vị thuộc bộ, 424 đơn vị cấp sở, ngành và 397 Ủy ban Nhân dân cấp huyện nhằm rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính, đánh giá việc sử dụng và tác động của Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; tình hình khai thác, sử dụng Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư, mã số định danh cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính gắn với việc bỏ Sổ hộ khẩu giấy, Sổ tạm trú giấy...

Các bộ, ngành đã kịp thời phát hiện, xử lý và chỉ đạo xử lý đối với 227/245 vấn đề tồn tại, hạn chế phát hiện qua kiểm tra (đạt 92,65%); các địa phương phát hiện, xử lý và chỉ đạo xử lý đối với 1.918/1.946 vấn đề (đạt 98,56%), tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức khi giao dịch với cơ quan công quyền, bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Tại Phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thảo luận về kết quả, những hạn chế và nguyên nhân trong công tác cải cách hành chính năm 2023; giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính năm 2024 trên 6 lĩnh vực: Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu từng thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương nêu cao quyết tâm tháo gỡ khó khăn; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành, quán triệt tinh thần hành động quyết liệt đến toàn hệ thống cán bộ, công chức, viên chức. Khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính được giao tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ.

Các bộ, ngành, địa phương, khẩn trương ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm; chủ động ban hành theo thẩm quyền và triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích, khen thưởng, ưu tiên đề bạt, bổ nhiệm các công chức có năng lực nổi trội, đề xuất nhiều ý tưởng, sáng kiến cải cách hành chính.

Đặc biệt, các bộ, ngành phải ưu tiên nguồn lực cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện đồng bộ khung khổ pháp lý thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; tập trung phát triển hạ tầng số, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp…

Tại tỉnh Bà Ria-Vũng Tàu, công tác chỉ đạo, điều hành CCHC trên địa bàn tỉnh luôn được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác tham mưu các giải pháp thực hiện nâng cao chất lượng CCHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện đúng quy định, đầy đủ cả 06 nội dung trọng tâm CCHC theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương.

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh CCHC trên từng lĩnh vực gắn với xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Ban hành Kế hoạch CCHC phân công nhiệm vụ đến từng sở, ngành và thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc triển khai thực hiện, kết quả đã hoàn thành 50/50 nhiệm vụ (100%).

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 16/8/2021 của UBND tỉnh về nâng cao hiệu quả công tác CCHC trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị đổi mới phương thức làm việc nâng cao chất lượng tham mưu, đề xuất; thực hiện tốt công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Phát động phong trào thi đua "Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện các nhiệm vụ CCHC". Yêu cầu các cơ quan, đơn vị xây dựng khâu đột phá để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Theo đó, một số nhiệm vụ, chỉ tiêu đạt kết quả cao hơn năm 2022: Việc thực hiện mệnh lệnh hành chính cấp trên giải quyết kịp thời đạt 90,18%; Việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo thời gian, chất lượng theo quy định; Tỷ lệ giải quyết hồ sơ TTHC đúng hạn đạt 98,8%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao (95%); Giải ngân vốn đầu tư công trong năm đạt trên 95,16%, cao hơn năm 2022 và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các mô hình sáng kiến, cách làm hay trong thực hiện nhiệm vụ. Năm 2023, trên cơ sở thực hiện của các cơ quan, đơn vị, UBND tỉnh đã triển khai nhân rộng, áp dụng 33 mô hình sáng kiến, giải pháp cách làm hay (03 mô hình sáng kiến và 03 giải pháp cách làm hay trong công tác CCHC; 27 mô hình điểm thực hiện Đề án 06).

Duy trì và tăng cường các buổi gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với người dân, doanh nghiệp, Đoàn viên công đoàn, Đoàn thanh niên với 05 Hội nghị và tiếp nhận, xử lý 62 kiến nghị. Đặc biệt, tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để kịp thời tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh và đã tiếp nhận, xử lý 45 kiến nghị của doanh nghiệp.

Chỉ đạo thường xuyên kiểm tra CCHC, kiểm tra công vụ để kịp thời chấn chỉnh, tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC. Năm 2023 đã tổ chức kiểm tra CCHC, kiểm tra công vụ được 93 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; kiểm tra chuyển đổi số tại 05 UBND huyện, thị xã, thành phố; kiểm tra việc thực hiện Đề án 06 tại 08 UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Tiếp tục thực hiện khâu đột phá của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết TTHC so với quy định của Bộ TTHC. Trong đó, ưu tiên lựa chọn các TTHC thường xuyên phát sinh hồ sơ và có nhiều tác động đến người dân và doanh nghiệp. Kết quả: đã thực hiện rút ngắn 35% đến 40% thời gian giải quyết của khoảng 40% TTHC so với quy định của Bộ, ngành Trung ương.

Tiếp tục thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị, đẩy mạnh phân cấp ủy quyền. Năm 2023, tỉnh đã giảm được 06 Phòng thuộc sở; giảm được 02 chi cục, giảm 07 phòng thuộc chi cục; Đã thực hiện phân cấp, ủy quyền 12 nội dung thuộc thẩm quyền UBND tỉnh đến các cơ quan, đơn vị có liên quan về quản lý trật tự xây dựng, quản lý giáo dục, lao động, nội vụ, khoa học công nghệ.

Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC. Năm 2023, tỉnh đã thực hiện thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý tại các cơ quan, đơn vị với 319 vị trí (trong đó, các sở, ngành: 50 vị trí; UBND cấp huyện: 269 vị trí); Chuyển đổi 96 vị trí công tác đối với CCVC trên địa bàn tỉnh; Hoàn thành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đạt 100% kế hoạch với 284/284 lớp.

Tăng cường việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp, giảm chi ngân sách nhà nước. Năm 2023, có thêm 02 đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ ở mức tự bảo đảm chi thường xuyên và 03 đơn vị tăng tỷ lệ tự chủ lên mức cao hơn so với năm 2022. Giảm chi trực tiếp ngân sách cho đơn vị sự nghiệp năm 2023 giảm 487 tỷ đồng.

Việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số được quan tâm thực hiện. Tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến đạt trên 95%, tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 79%. 100% các sở ngành, UBND cấp huyện, xã đều có Trang thông tin điện tử.

Về chuyển đổi số, Tỉnh đã hoàn thành 35/39 chỉ tiêu đạt và vượt so với chỉ tiêu Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số giao. Trong đó, Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận dùng thử các nền tảng chuyển đổi số đạt 90,1%; Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; Tỷ lệ sản phẩm có giấy chứng nhận OCOP của tỉnh đủ điều kiện được đưa lên sàn thương mại điện tử đạt 100%; Tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn thương mại điện tử (có gian hàng) đạt 85%; Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 85,02%; Tỷ lệ dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 91%; Tỷ lệ trường học các cấp triển khai ký số trên học bạ điện tử đạt 100%. Thanh toán không dùng tiền mặt về: viễn thông, truyền hình đạt 93,8%; hóa đơn nước đạt 80,18%; tại các siêu thị, nhà hàng đạt 94,27%; đối với những người hưởng lương hưu, trợ cấp đạt 63%.

Việc thực hiện Đề án 06, Tỉnh đã thành lập 584 Tổ công tác triển khai Đề án 06 tại các địa phương. Đã thu nhận gần 1,2 triệu hồ sơ căn cước công dân; kích hoạt được trên 600 ngàn định danh điện tử, vượt chỉ tiêu Bộ Công an giao. Số đối tượng diện an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh có tài khoản và được chi trả qua tài khoản đứng thứ hai toàn quốc. Triển khai sử dụng căn cước công dân gắn chip tích hợp bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh đạt 100%; có trên 400 ngàn lượt bệnh nhân dùng Căn cước công dân thay thẻ BHYT khi làm thủ tục khám chữa bệnh. Đã triển khai phần mềm thông báo lưu trú trên nền tảng VneID trên 6.000 cơ sở lưu trú, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.

Nguồn: https://baria-vungtau.gov.vn/