Thông tin Y tế Thông tin Y tế
Ngành y tế chủ động phương án phòng chống dịch

 

Cán bộ thú y tiêm phòng chống cúm A/H5N1 cho gia cầm tại xã Suối Rao (huyện Châu Đức).

Dịch cúm nguy hiểm A/H7N9 đang có nguy cơ xâm nhập vào nước ta. Trước tình hình này, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh, ngành y tế BR-VT đang triển khai biện pháp phòng chống. Bác sĩ Hà Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã có cuộc trao đổi với PV xung quanh vấn đề này.

* PV: Bác sĩ cho biết diễn biến và nguy cơ cúm A/H7N9 có thể xâm nhập vào BR-VT?

- Bác sĩ Hà Văn Thanh: Vi rút cúm A/H7N9 lây truyền từ gia cầm sang người và có thể lây từ người sang người. Mặc dù, nhiều năm qua Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh cúm A/H7N9 trên người cũng như đàn gia cầm nhưng nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam là rất lớn. Bởi hiện nay, cơ quan chức năng vẫn chưa thể kiểm soát hết được vấn đề gia cầm nhập lậu, vận chuyển qua biên giới, kinh doanh gia cầm không rõ nguồn gốc.

Thêm vào đó, một số tỉnh/thành đang có ổ dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm, có khả năng lây nhiễm qua người, mới đây nhất là ổ cúm A/H5N1 được phát hiện ở Nam Định buộc phải giám sát chặt chẽ 70 người đã tiếp xúc nhằm phát hiện, điều trị sớm và tránh lây lan; chưa kể, hiện đang lưu hành vi rút cúm A/H5N6. Riêng tại BR-VT, từ đầu năm đến nay ngành y tế tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nào mắc cúm A trên gia cầm và người, trước những yếu tố nguy cơ chưa được loại trừ, ngành y tế tỉnh vẫn phải có các biện pháp đề phòng.

* Đó là những biện pháp gì, thưa bác sĩ?

- Ngành y tế đã phối hợp với cơ quan thú y để tăng cường giám sát, phát hiện trường hợp mắc bệnh trên người và gia cầm. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh này ở người, chẳng hạn như có tiếp xúc với gia cầm bệnh, có những dấu hiệu của bệnh, sẽ báo về Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để chúng tôi tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Sau đó mẫu sẽ gửi lên Viện Pasteur hậu kiểm công bố kết quả. Đối với các cơ sở y tế, bệnh viện, trung tâm y tế, tập trung giám sát, theo dõi những trường hợp có dấu hiệu của bệnh tiến triển nhanh, bắt buộc phải lấy mẫu máu để gửi về trung tâm xét nghiệm. Khi có kết quả, nếu xác định dương tính, sẽ áp dụng các biện pháp điều tra và xử lý ổ dịch. Bên cạnh đó các biện pháp truyền thông phòng tránh dịch bệnh cúm A/H7N9 cũng được đẩy mạnh hơn.

* Bác sĩ cho biết những dấu hiệu nào cho thấy mình có thể đang mắc bệnh cúm A/H7N9?

- Người mắc bệnh cúm A/H7N9 thường có biểu hiện bệnh như sốt đột ngột, ho, đau họng, viêm đường hô hấp, khó thở, đau ngực... Trước đó, người bệnh có những yếu tố như: có tiền sử ở, đi, đến từ vùng có dịch trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát; tiếp xúc gần với người đã nhiễm bệnh, hay trực tiếp với gia cầm ốm/chết trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát.

* Bác sĩ có khuyến cáo gì cho người dân trước nguy cơ xâm nhập của dịch bệnh?

- Để phòng bệnh cúm A/H7N9 người dân tuyệt đối không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y địa phương trong giám sát dịch bệnh, chia sẻ thông tin và các biện pháp phòng chống dịch bệnh lây lan từ gia cầm sang người.

* Xin cảm ơn ông!

 

Nguồn: www.baobariavungtau.com.vn