Thông tin Y tế Thông tin Y tế
Người dị tật hệ vận động: Cần chữa trị sớm để tăng cơ hội sống khỏe mạnh

Trung tuần tháng 3 vừa qua, đoàn y, bác sĩ của Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Sở LĐTBXH tổ chức khám sàng lọc cho trẻ em, đối tượng bảo trợ xã hội và người có công bị khuyết tật vận động trên địa bàn tỉnh. Qua thăm khám của bác sĩ cho thấy, nhiều bệnh nhân hoàn toàn có cơ hội sống khỏe mạnh nếu khám và điều trị sớm theo đúng phác đồ.

Bác sĩ Mai Văn Thu, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP. Hồ Chí Minh khám bệnh cho trẻ em dị tật hệ vận động. 

Bé Hồ Trần Thanh Hương (3 tuổi, ngụ tại phường 12, TP.Vũng Tàu) bị mắc chứng chân vòng kiềng. Khi bé ưđợc 9 tháng tuổi, chị Trần Thị Sương (mẹ bé Hương) đã đưa con lên Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.Hồ Chí Minh điều trị. Tại đây, bé Hương được bác sĩ chỉ định bó bột 2 chân trong thời gian 6-12 tháng. Tuy nhiên, sau khi ở bệnh viện về, thấy con thường xuyên quấy khóc, chị Sương đã tự ý tháo bột, khiến dị tật của bé vẫn còn. Đưa con đi khám lần này, chị Sương hy vọng đôi chân của con gái mình có thể thẳng bình thường để con được vui chơi, chạy nhảy như bạn bè cùng trang lứa. "Bác sĩ nói con tôi phải đi giày nẹp đến khi 6 tuổi. Nếu lúc đó chân bé thẳng ra thì không phải phẫu thuật nữa", chị Sương nói. Theo bác sĩ Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.Hồ Chí Minh, đôi chân của bé Hương có khả năng được chữa khỏi hoàn toàn nếu gia đình thực hiện đúng phác đồ điều trị của bác sĩ trước đây.

Cách đây hơn 50 năm, bà Nguyễn Thị Tâm (85 tuổi, trú tại ấp Trang Định, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc) bị tai nạn, dẫn đến trật khớp háng. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có tiền chạy chữa, bà Tâm chỉ đi mua thuốc ở các tiệm thuốc tây gần nhà về uống. Không những không khỏi bệnh, những cơn đau hành hạ khiến bà không thể đi lại, sinh hoạt bình thường được. Biết tin có đoàn y, bác sĩ từ TP.Hồ Chí Minh về BR-VT khám bệnh cho những người bị dị tật hệ vận động, bà Tâm nhờ con gái đưa đi khám. Do tuổi cao cộng với các khớp chân và khớp háng đã cứng lại, bà Tâm không thể tiến hành phẫu thuật chỉnh hình để tách hai chân ra như người bình thường. Trong khi đó, với trường hợp này, nếu được điều trị kịp thời ngay khi vừa bị tai nạn, khả năng phục hồi như bình thường là không quá khó và không quá mất nhiều thời gian.

Bác sĩ Mai Văn Thu, chuyên khoa 2, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.Hồ Chí Minh cho biết, các trường hợp bị di tật vận động do di chứng của sốt bại liệt, thừa ngón, dính ngón, chân vòng kiềng, tai nạn... có thể chữa khỏi bằng các biện pháp phẫu thuật, tập vật lý trị liệu, dùng dụng cụ chỉnh hình. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như khoảng cách địa lý, hoàn cảnh gia đình khó khăn hay thiếu hiểu biết, nhiều gia đình không đưa bệnh nhân lên các bệnh viện tuyến trên để điều trị kịp thời khiến bệnh ngày càng nặng và mất đi cơ hội chữa khỏi hoàn toàn.

Bà Nguyễn Thanh Hiệp, đại diện Quỹ Bảo trợ trẻ em, Sở LĐTBXH cho biết, chương trình khám sàng lọc cho trẻ em bị dị tật hệ vận động được tổ chức hàng năm nhằm phát hiện, xử lý kịp thời những dị tật, qua đó tăng cơ hội sống khỏe mạnh cho các em. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có hơn 150 trẻ em bị dị tật hệ vận động. "Năm 2017, Sở LĐTBXH mở rộng đối tượng được khám sàng lọc về dị tật hệ vận động, có thêm những người đang hưởng bảo trợ xã hội, người có công trên địa bàn tỉnh. Sở đã phối hợp với các bác sĩ lập danh sách, đưa các bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật, tập vật lý trị liệu, dùng dụng cụ hỗ trợ chỉnh hình lên Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.Hồ Chí Minh để được điều trị kịp thời", bà Hiệp nói.

Nguồn: http://www.baobariavungtau.com.vn/

Người thân của các bệnh nhân bị dị tật hệ vận động, trẻ em bị sứt môi, hở hàm ếch, tim bẩm sinh có thể liên hệ với Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Sở LĐTBXH) qua số điện thoại 064.3832826 để được hướng dẫn, đăng ký khám sàng lọc và điều trị hoàn toàn miễn phí.