Hoạt động Hoạt động
Hội nghị toàn quốc về phát triển Dược liệu Việt Nam

Sáng 12/4, tại TP. Lào Cai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển nguồn Dược liệu Việt Nam.

Đầu cầu trực tuyến tại TP. Lào Cai

Ông Đặng Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu BR-VT. Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo các sở, ngành, tổ chức, doanh nghiệp... địa phương có liên quan.

Điểm cầu trực tuyến tại UBND tỉnh BRVT

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: nước ta có trên 5.000 cây thuốc quý, cùng với 5.000 loại dược liệu và các sinh vật biển có thể bào chế thuốc. Đây chính là cơ sở để xác định đường lối phát triển y tế là kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền.

Báo cáo về công tác phát triển Dược liệu Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Nhu cầu sử dụng nguồn dược liệu trong nước là rất lớn, khoảng 60-80 nghìn tấn/năm, nhưng do thiếu quy hoạch và định hướng từ đầu cũng như công nghệ thu hái, chế biến còn lạc hậu, giá thành cao đã ảnh hưởng rất lớn tới năng suất cũng như chất lượng nguồn dược liệu và giảm khả năng cạnh tranh.

Báo cáo của Hiệp hội Dược liệu Việt Nam cũng chỉ ra rằng: Tiềm năng dược liệu của Việt Nam rất lớn, nhưng có tới 80% dược liệu trong nước là nhập khẩu. Nguyên nhân do giá thành dược liệu của Việt nam còn cao, khả năng tiếp cận thị trường thấp. Song song với đó là tình trạng dược liệu nhập lậu với chất lượng kém nhưng giá thành rẻ hơn hẳn, khiến nguồn dược liệu trong nước bị o ép và khó phát triển.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: ..."phải nhìn nhận lại vai trò của dược liệu để từ đó tập trung phát triển gắn với xuất khẩu. Trong chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cần lưu ý đến phát triển dược liệu. Đầu tư khoa học công nghệ, sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển đồng bộ các doanh nghiệp, từ doanh nghiệp tiêu thụ đến doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu... Có hình thức quảng bá để giới thiệu Dược liệu Việt Nam ra quốc tế, coi đó như một sản phẩm đặc thù của quốc gia. Có quy hoạch cụ thể về chiến lược kinh tế gắn liền với đặc thù của từng địa phương. Ví dụ như Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái… thì tập trung phát triển nguồn dược liệu: tam thất, đẳng sâm, ba kích, sâm Ngọc Linh... Đầu tư phát triển dược liệu sẽ góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân. Bên cạnh đó, cần chú trọng bảo tồn nguồn gen dược liệu quý hiếm và ngăn chặn buôn bán dược liệu trái phép dưới mọi hình thức".

Thăng Thành