Thông tin Y tế Thông tin Y tế
Xây dựng phương án phòng, chống dịch ở mức phức tạp hơn

Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo quan trọng của Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh tại cuộc họp giao ban về công tác phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra chiều tối ngày 9/12. Các đại biểu đã tập trung bàn sâu những giải pháp thực hiện Kế hoạch "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm  soát hiệu quả dịch COVID-19" trên địa bàn tỉnh.

Bác sĩ điều trị cho các bệnh nhân nặng tại Trung tâm hồi sức tích cực Bệnh viện Vũng Tàu.
Bác sĩ điều trị cho các bệnh nhân nặng tại Trung tâm hồi sức tích cực Bệnh viện Vũng Tàu.

Dự kiến đón HS đến trường từ 10/1/2022

Báo cáo tại cuộc họp, bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế thông tin, toàn tỉnh có 30 cở sở điều trị COVID-19, với 5.728 giường bệnh, trong đó, 1 bệnh viện điều trị bệnh nhân tầng 3 (100 giường), 12 bệnh viện tầng 2 (1.270 giường), còn lại chủ yếu là bệnh viện tầng 1 điều trị các ca bệnh nhẹ và không triệu chứng. Hiện nay, tỉnh đang gặp khó khăn về nhân sự chữa trị cho các ca bệnh nặng, nguy kịch ở bệnh viện tầng 2, 3.

Trong số 100 giường tầng 3 tại Trung tâm hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Vũng Tàu), đã sử dụng 50% công suất. Nhân lực tham gia điều trị tại tầng này có 12 bác sĩ, 36 điều dưỡng của Bệnh viện Vũng Tàu và Bà Rịa. Nếu như số bệnh nhân tăng cao hơn nữa sẽ cần thêm nguồn nhân lực. Bộ Y tế đã điều động đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) và Bệnh viện ĐH Y dược TP. Hồ Chí Minh đến hỗ trợ tỉnh chống dịch. "Bộ Y tế đã cấp cho tỉnh 4 đợt thuốc kháng vi rút dạng viên nhưng mới chỉ đủ dùng cho khoảng 6.000 bệnh nhân, chưa thể đáp ứng nhu cầu sử dụng khi số ca nhiễm mới gia tăng như hiện nay. Sở Y tế đã nhiều lần làm việc với Bộ Y tế và Bộ cam kết sẽ cung cấp đầy đủ thuốc kháng vi rút cho tỉnh", bác sĩ An nói thêm.

Bàn về kế hoạch đón HS, SV trở lại trường học, bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT đề xuất tổ chức dạy học trực tiếp tại các địa bàn có cấp độ dịch 1 và 2. Giai đoạn 1, từ ngày 10/1 đến 22/1/2022, tổ chức dạy học trực tiếp cho HS các lớp khối đầu và cuối cấp đối với bậc THPT và THCS. Bậc Tiểu học học trực tuyến và qua truyền hình. Bậc Mầm non tiếp tục hướng dẫn chăm sóc tại nhà.

Giai đoạn 2 (sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần), từ ngày 7 đến 12/2 tiếp tục dạy học trực tiếp đối với HS các khối lớp như giai đoạn 1, đồng thời Sở GD-ĐT đánh giá, rút kinh nghiệm. Từ đó, Sở phối hợp với Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh cho HS tất cả các khối lớp bậc THPT, THCS; khối 1, 2 của bậc Tiểu học; trẻ mẫu giáo 5 tuổi bậc Mầm non cho đi học trực tiếp từ 14/2. Sau đó, tiếp tục tổ chức học trực tiếp cho các khối còn lại của bậc Tiểu học và Mầm non từ ngày 21/2. Đối với cơ sở giáo dục ĐH, CĐ, TCCN, Trung tâm ngoại ngữ, tin học thì tổ chức dạy học trực tiếp theo cấp độ dịch tại địa bàn. Học viên, sinh viên phải đáp ứng đủ các điều kiện như đã tiêm đủ vắc xin hoặc đã khỏi bệnh không quá 6 tháng, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch.

 

Thực hiện triệt để cho F1, F0 đủ điều kiện ở nhà

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 khẳng định, việc theo dõi, cách ly F1, điều trị F0 tại nhà đã giảm áp lực cho các bệnh viện điều trị COVID-19 tầng 1. Hơn nữa, kế hoạch 202/KH-UBND của UBND tỉnh về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" trên địa bàn tỉnh bắt đầu thực hiện từ ngày 10/12 sẽ khiến số lượng F1, F0 tăng cao. Vì vậy, các địa phương cần thực hiện triệt để cho F1, F0 đủ điều kiện ở nhà, để giảm tải công việc cho nhân viên y tế các bệnh viện tầng 1. Khi đó, đội ngũ y, bác sĩ sẽ tập trung cứu chữa những ca bệnh nặng, nhằm giảm tỷ lệ tử vong ở mức thấp nhất có thể.

Các xã, phường, thị trấn có từ 50F0 trở lên đang điều trị tại nhà thì linh động thành lập thêm trạm y tế lưu động hoặc bổ sung nhân lực cho trạm đã có trước đó, trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, tránh tình trạng F0 không liên hệ được với nhân viên y tế, F0 không được cấp thuốc. Ngành y tế tăng cường công tác điều trị và giám sát tình hình sức khỏe của bệnh nhân để chuyển tuyến kịp thời; tổ chức thu dung, điều trị hợp lý, tránh quá tải tại cơ sở điều trị COVID-19 tập trung. Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý ngành y tế xem xét các văn bản hướng dẫn cụ thể, khuyến khích kêu gọi y tế tư nhân tham gia công tác điều trị F0 tại nhà theo nhu cầu người dân. Các đơn vị, địa phương làm tốt công tác dự báo tình hình dịch bệnh, chủ động xây dựng các phương án phòng, chống dịch ở mức phức tạp hơn, nhất là kịch bản đề phòng sự xuất hiện của các biến chủng mới như Omicron.

Về công tác tiêm vắc xin và đón HS trở lại trường, ông Phạm Viết Thanh yêu cầu các địa phương tăng cường vận động số người từ 18 tuổi trở lên còn lại chưa tiêm vắc xin nhanh chóng đi tiêm chủng đầy đủ; hoàn thành tiêm mũi 2 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi trước ngày 25/12 để các em yên tâm trở lại trường học. Các địa phương bàn giao các trường học đang làm cơ sở cách ly F1, điều trị F0 cho ngành GD-ĐT trước ngày 15/12 để sửa chữa, vệ sinh trường lớp, chuẩn bị đón HS trở lại trường. Ngành GD-ĐT xây dựng phương án cho HS đi học trực tiếp phù hợp với tình hình dịch bệnh và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

"Kế hoạch 202/KH-UBND của UBND tỉnh có hiệu lực trong thời điểm gần Tết, kinh tế sẽ từng bước sôi động, nhu cầu người dân đi lại tăng cao. Vì vậy, các đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện nghiêm túc và đầy đủ, không gây ách tắc cho DN, người dân", Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu

Nguồn: https://baria-vungtau.gov.vn/