Thông tin Y tế Thông tin Y tế
Xử lý rác thải của F0 điều trị tại nhà như thế nào?

Chất thải sinh hoạt phát sinh từ các hộ gia đình có F0 đang cách ly và điều trị tại nhà được xem là chất thải nguy hại, nguy cơ lây nhiễm cao. Bộ Y tế vừa có văn bản yêu cầu các địa phương xây dựng phương án thu gom, vận chuyển và xử lý đúng, bảo đảm an toàn cho cộng đồng.

Nhân viên y tế phường Thắng Tam (TP. Vũng Tàu) lấy mẫu xét nghiệm cho F0 điều trị, cách ly y tế tại nhà.
Nhân viên y tế phường Thắng Tam (TP. Vũng Tàu) lấy mẫu xét nghiệm cho F0 điều trị, cách ly y tế tại nhà.

Đang xử lý như chất thải thông thường

Theo ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT, thực hiện chỉ đạo của Bộ TN-MT và Bộ Y tế, ngày 7/1, Sở đã có văn bản 144/STNMT-BVMT hướng dẫn thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế từ nhà có người đang điều trị COVID-19. Sở TN-MT khẳng định: Tất cả các loại chất thải phát sinh từ phòng chăm sóc, điều trị người mắc COVID-19 và tất cả chất thải rắn phát sinh từ quá trình chăm sóc, điều trị người mắc COVID-19, bao gồm: đồ vải, quần áo thải bỏ của bệnh nhân, khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người tham gia thực hiện các công việc quản lý chất thải y tế, vệ sinh dụng cụ đựng chất thải, giặt là, vệ sinh môi trường đều được coi là chất thải lây nhiễm có nguy cơ chứa vi rút SARS-CoV-2. Theo đó, các loại chất thải này phải được phân loại ngay từ đầu, bỏ vào thùng màu vàng có nắp đậy, có lót túi, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh. Bên ngoài thùng có dán nhãn "Chất thải có nguy cơ chứa vi rút SARS-CoV-2". Tần suất thu gom tối thiểu 1 lần/ngày.

Trước khi chuyển giao cho người thu gom, túi đựng chất thải này phải được buộc kín miệng và tiếp tục được bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm thứ 2 buộc kín. Xe vận chuyển chất thải này phải là xe chuyên dụng, có thùng kín, có nắp đậy. Người thu gom phải mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang và găng tay, bảo đảm các biện pháp phòng dịch. Sau đó vận chuyển về trung tâm y tế, trạm y tế trên địa bàn, từ đây xe chuyên dụng sẽ tiếp tục vận chuyển đến Công ty CP môi trường Quý Tiến để xử lý.

Văn bản hướng dẫn là vậy, tuy nhiên trên thực tế, rác thải sinh hoạt từ các gia đình có F0 điều trị tại nhà ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chủ yếu vẫn đang được thu gom trộn lẫn như rác thải thông thường. Gia đình anh Vũ Quang (1/2/18, Hồ Quý Ly, phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu) có 3/4 người nhiễm COVID-19 được cách ly tại nhà. Hàng ngày, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh của gia đình anh Quang khoảng 3-4kg/ngày. Những ngày cách ly điều trị F0 lượng rác thải sinh hoạt tăng thêm khoảng 1kg/ngày. Gia đình anh tự thu gom rác, cột vào một túi nilon kín rồi để vào khu vực nhận rác, chờ đơn vị đến thu gom như ngày thường. Anh Quang cho biết: "Tôi nghĩ, lượng rác thải từ gia đình có người mắc COVID-19 nguy cơ lây nhiễm cao nên vợ tôi đã dùng túi nilon lớn hơn, buộc kín miệng và xịt khuẩn trước khi đưa ra khu vực để rác. Tuy nhiên, đơn vị thu gom rác họ cũng trộn lẫn vào rác thải của các hộ gia đình bình thường khác".

Theo báo cáo của BCĐ Phòng, chống COVID-19 tỉnh, trong vòng 14 ngày (tính từ ngày 17/2 đến 2/3), BR-VT hiện có 13.222 F0 đang điều trị tại nhà (chiếm khoảng 98% tổng số ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn tỉnh). Với số ca nhiễm ngày càng gia tăng, rác thải của các F0 điều trị tại nhà nếu không được xử lý đúng quy định có thể là nguồn lây nhiễm dịch bệnh. Trước đó, ngày 30/12/2021, UBND tỉnh đã có công văn số 19868/UBND-VP gửi Sở TN-MT, Sở Tài chính và Sở Xây dựng; UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tổ chức phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải y tế từ nhà F0 đến trạm y tế, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, UBND tỉnh thống nhất với các phương án phân loại, vận chuyển của Sở TN-MT theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ TN-MT. UBND tỉnh cũng giao Sở Xây dựng, Sở Tài chính hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố nguồn kinh phí để triển khai thực hiện.

Tăng cường quản lý rác thải của F0

Ông Nguyễn Trọng Thụy, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP. Vũng Tàu cho biết, từ khi UBND tỉnh có quyết định F0 được cách ly, điều trị tại nhà, TP. Vũng Tàu đã sớm xây dựng phương án phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải y tế từ nhà F0 đến nơi tập kết tạm thời (trạm y tế, trung tâm y tế). Cụ thể, UBND TP. Vũng Tàu đã đề xuất UBND tỉnh phương án cho phép lựa chọn đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải y tế từ nhà F0 đến nơi lưu giữ rác tạm thời đáp ứng các tiêu chí về phương tiện, dụng cụ và bảo đảm các yêu cầu về phòng dịch. Sau đó rác sẽ được xe chuyên dụng của các đơn vị có chức năng xử lý rác y tế vận chuyển đến nơi xử lý chất thải nguy hại. Giá thu gom, vận chuyển rác thải y tế từ nhà F0 đến điểm lưu giữ rác tạm tính khoảng 297.000 đồng/người/tháng, chi phí thực tế tính theo số ngày thực tế điều trị. Chi phí này được trích từ nguồn kinh phí của TP. Vũng Tàu. Tuy nhiên, đến nay thành phố vẫn chưa được phê duyệt phương án giá, nên việc xử lý chất thải của gia đình F0 vẫn xử lý như chất thải thông thường.

Còn ông Tạ Quốc Trung, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, theo quy định thì chi phí dịch vụ công phải được xác định trên cơ sở định mức, đơn giá và các chế độ, chính sách khác do cơ quan Nhà nước ban hành. Trong khi đó, công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn (xả từ trường hợp F0 điều trị tại nhà) đến điểm lưu trữ rác tạm thời là công tác đặc thù, chưa có trong hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật của Nhà nước. Hiện Sở Xây dựng đang phối hợp với đơn vị tư vấn tổ chức lập định mức xác định hao phí vật tư, nhân công, thiết bị, theo hình thức tính đơn giá (tính theo kg hoặc tính theo lượt) từ đó mới có căn cứ đề xuất tỉnh đơn giá thực hiện cho tất cả các huyện, thị xã, thành phố.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký ban hành công văn đề nghị Bộ TN-MT cùng UBND các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý chất thải với các trường hợp nhiễm COVID-19 điều trị tại nhà. Theo đó, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, các địa phương triển khai các giải pháp tăng cường vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch COVID-19 bảo đảm an toàn và kịp thời. Bên cạnh đó, các địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra việc vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch COVID-19 theo thẩm quyền, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thực hiện chỉ đạo này, các đơn vị chức năng tỉnh BR-VT cũng đang đẩy nhanh tiến độ việc tổ chức phân loại, thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt từ các hộ gia đình có F0 đang điều trị và cách ly tại nhà. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, số ca nhiễm COVID-19 gia tăng từng ngày thì nỗ lực của các cơ quan chức năng, các đơn vị chuyên môn và lực lượng phụ trách về vệ sinh môi trường thực sự là chưa đủ. Trước tiên, cần sự chung tay của mỗi người dân, mỗi gia đình, đặc biệt là những người bệnh và gia đình có F0 điều trị tại nhà hãy thực hiện việc phân loại và khử khuẩn rác thải có nguy cơ lây nhiễm, nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Nguồn: http://www.baobariavungtau.com.vn