Thông tin tuyên truyền Thông tin tuyên truyền
Không chủ quan với triệu chứng hậu COVID-19

Theo Bộ Y tế, hiện có đến 203 triệu chứng hậu COVID-19 khác nhau. Các triệu chứng có thể xuất hiện sau khi khỏi bệnh, có thể tồn tại dai dẳng từ đầu, hoặc tái phát theo thời gian. Khi đó sẽ làm sức khỏe bị suy giảm, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống. 

Bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa khám cho bệnh nhân có biểu hiện hậu COVID-19.
Bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa khám cho bệnh nhân có biểu hiện hậu COVID-19.

Triệu chứng phổ biến

Anh Trương Khắc Dũng (30 tuổi, 1216/56/13B, đường 30/4, TP.Vũng Tàu) đã 2 lần nhiễm COVID-19. Lần đầu, tháng 2/2022, khoảng 1 tháng sau, anh tái nhiễm. Lần nhiễm này, tình trạng bệnh của anh nặng hơn so với trước như: mệt mỏi, sốt, đau họng, tức ngực… Từ khi khỏi bệnh, sức khỏe của anh bị suy giảm và tiếp tục có các biểu hiện tức ngực vào buổi tối, khó thở, ho khan, mất ngủ, vã mồ hôi.

Những dấu hiệu này kéo dài hơn 1 tháng nay đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống lẫn công việc của anh. "Thấy sức khỏe có nhiều dấu hiện bất thường, nên tôi rất lo lắng. Tôi đi khám và chụp XQ phổi, nhưng bác sĩ nói phổi tôi bình thường. Bác sĩ hướng dẫn tôi tiếp tục theo dõi sức khỏe", anh Dũng nói.

Hay như trường hợp của chị Hồ Thị Thiều (42 tuổi, ấp Thạnh Sơn 4, xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc) cũng có nhiều dấu hiệu hậu COVID-19. Chị Thiều chia sẻ, chị nhiễm COVID-19 hơn 1 tháng trước. Đến nay, chị thường xuyên ho có đàm trắng, mất ngủ, khó thở, hay bị đuối sức khi làm việc. Nhưng khi đến Bệnh viện Bà Rịa khám và chụp XQ phổi, thì tình trạng phổi của chị vẫn khỏe mạnh. 

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hiện nay có nhiều người gặp phải một số triệu chứng và di chứng kéo dài sau khi nhiễm COVID-19 như: sốt nhẹ, khó thở, ho, mệt mỏi, đau cơ, khớp, rụng tóc, xơ phổi, rối loạn nội tiết… Bên cạnh đó, còn có các trường hợp xuất hiện rối loạn tiêu hóa (ăn không ngon miệng, chán ăn, đau dạ dày, tiêu chảy…), rối loạn vị giác hoặc khứu giác, phát ban.

Một số người khác khác gặp các triệu chứng về tâm thần kinh như: rối loạn tâm lý, giảm sự tập trung, lo âu, trầm cảm, hay quên, giảm trí nhớ ngắn hạn. Đây là những triệu chứng không thể giải thích người bệnh đang mắc một bệnh cụ thể nào đó gây nên các dấu hiệu trên, nghĩa là không tìm được chẩn đoán khác thay thế, lúc này có thể được gọi là hội chứng hậu COVID-19.

Cần đi khám khi nào?

Bác sĩ Cao Thị Hồng Phương (Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bà Rịa) cho biết, trung bình mỗi ngày, Phòng khám Hô hấp của khoa đón tiếp khoảng 30-40 trường hợp đến khám có các biểu hiện của hậu COVID-19. Trong số này, người già, trẻ nhỏ và nữ giới là các đối tượng có số lượng bệnh nhân đến khám nhiều nhất. Hầu hết bệnh nhân đều được khám và chụp XQ phổi.

Qua thăm khám, các ca bệnh đều có mức độ nhẹ, chưa ghi nhận trường hợp nặng do hậu COVID-19 gây ra. Nếu bị hậu COVID-19 nặng, người bệnh sẽ bị ảnh hưởng đến đa cơ quan trong cơ thể, trong đó có những tổn thương đến tim, phổi, thận, mạch máu, da, não; đối với trẻ em xuất hiện hội chứng viêm đa hệ thống.

Theo bác sĩ Phương, tất cả các đối tượng, mọi lứa tuổi đều có thể mắc hội chứng hậu COVID-19. Tuy nhiên, thường gặp nhất ở người cao tuổi (trên 60 tuổi), người có bệnh lý nền (đái tháo đường, huyết áp cao, suy thận), người béo phì, người chưa tiêm vắc xin COVID-19 và những bệnh nhân đã từng điều trị tại phòng hồi sức tích cực (ca bệnh nặng).

Khi xuất hiện các dấu hiệu như: mệt mỏi, khó thở, mất ngủ, ho kéo dài... người bệnh cần đến các cơ sở y tế để thăm khám, chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và có những can thiệp kịp thời với trường hợp cần điều trị. Bệnh nhân tuyệt đối không mua và sử dụng các loại thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên mạng để tự điều trị vừa tốn kém mà có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần theo dõi tình trạng sức khỏe của mình, tránh tình trạng quá lo lắng, xuất hiện triệu chứng bệnh gì cũng "đổ thừa" do hậu COVID-19, mua thuốc, đi khám khắp nơi gây tốn kém; hoặc coi thường các triệu chứng, sẽ bỏ qua cơ hội đi khám, phát hiện điều trị sớm các bệnh lý khác.

Nhằm giúp người dân vượt qua các triệu chứng hậu COVID-19 mức độ nhẹ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo, bệnh nhân nên thực hiện một số biện pháp như: tập hít vào, thở ra chậm, hít sâu dần dần và thở ra nhẹ nhàng không vội vàng, nhịp độ tăng lên từng ngày; hàng ngày vận động nhẹ nhàng như đi bộ chậm, tập thể dục nhẹ, đạp xe đạp rất chậm, tập dưỡng sinh.

Ngoài ra, người bệnh cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, mỗi ngày chia thành 3-5 bữa ăn tùy theo sức ăn của người bệnh và kết hợp đa dạng thực phẩm trong khẩu phần ăn, đảm bảo 4 nhóm dinh dưỡng trong khẩu phần ăn, nên ăn nhiều rau, trái cây, uống đủ nước, uống thêm nước ép trái cây, uống sữa, ăn chuối chín để bổ sung Kali, nên ăn các loại thực phẩm có nhiều vi chất như cá, tôm, cua, hào, nghêu sò. Ngủ đủ giấc, nghe nhạc, thư giãn và trao đổi thông tin với mọi người xung quanh để cuộc sống trở lại bình thường.

Người dân có nhu cầu khám, điều trị các triệu chứng hậu COVID-19 liên hệ Bệnh viện Bà Rịa, Bệnh viện Vũng Tàu và các TTYT huyện thị xã, thành phố trong tỉnh để được tư vấn và điều trị kịp thời. Nếu có các triệu chứng nhẹ, cần tư vấn, thì đến gặp nhân viên y tế cơ sở, các trạm y tế lưu động tại địa phương.

 

Nguồn:https://baobariavungtau.com.vn/