Thông tin tuyên truyền Thông tin tuyên truyền
Cảnh giác với bệnh viêm não do vi rút

Bệnh viêm não vi rút đang vào mùa cao điểm. Đây là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong khá cao. Vì thế, phụ huynh và người bệnh phải đặc biệt quan tâm đến căn bệnh này.

Phụ huynh cho trẻ đi tiếm chủng đầy đủ và đúng lịch các loại vắc xin phòng ngừa các vi rút gây ra bệnh viêm não.
Phụ huynh cho trẻ đi tiếm chủng đầy đủ và đúng lịch các loại vắc xin phòng ngừa các vi rút gây ra bệnh viêm não.

Bệnh nguy hiểm

Ngày 11/6, bệnh nhân N.T.L (21 tuổi, ở xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc) bắt đầu có dấu hiệu sốt nhẹ và mệt mỏi. 2 ngày sau, bệnh nhân sốt cao 40 độ C, hốt hoảng, tinh thần không ổn định nên được người nhà đưa đến TTYT huyện Xuyên Mộc để khám. Tại đây, người bệnh được các bác sĩ thăm khám cẩn thận, cho sử dụng thuốc hạ sốt, truyền dịch và thở oxy. Sau đó vài giờ, bệnh nhân L., có những biểu hiện lên cơn co giật nên TTYT huyện Xuyên Mộc cho chuyển tuyến lên Bệnh viện Bà Rịa tiếp tục điều trị. Sau 4 ngày điều trị, các triệu chứng đã giảm nên bệnh nhân được xuất viện. Tuy nhiên, vài ngày sau đó, tình trạng bệnh trở nặng, người nhà đưa lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) khám, điều trị và bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân L., bị viêm não do vi rút.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, chỉ tính từ ngày 19/5 đến 18/6, cả nước ghi nhận 49 ca mắc bệnh viêm não vi rút, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Đây cũng là những ca tử vong đầu tiên trong năm 2022 do căn bệnh này.

Theo các bác sĩ, viêm não vi rút là bệnh nguy hiểm do nhiều loại vi rút gây nên. Một số chủng vi rút gây bệnh viêm não như: Nhóm Arbovirus lây truyền qua các loại côn trùng trung gian như muỗi, bọ chét, ve… Trong nhóm này, nổi bật nhất là vi rút gây viêm não Nhật Bản. Ngoài ra, chủng vi rút trong nhóm enterovirus, trong đó có enterovirus 71 (thường gọi là EV71) và Coxackie cũng có thể gây bệnh viêm não nặng nề ngoài biểu hiện nhẹ của nó là bệnh tay chân miệng. Một số vi rút như Herpes simplex (HSV) hay HHV-6 (human Herpes týp 6), các vi rút gây bệnh sởi, quai bị, cúm… cũng có thể gây bệnh viêm não.

Thông thường tháng 5 đến 8 hàng năm là giai đoạn ghi nhận sự gia tăng các bệnh lý viêm não, đặc biệt là viêm não Nhật Bản. Bệnh này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở trẻ em từ 2 đến 8 tuổi. Bệnh thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tử vong cao ở trẻ nhỏ từ 25-35%. Ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi thường bị bệnh nặng, có thể dẫn đến bại não.

Để phòng, chống bệnh viêm não do vi rút, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo người dân thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy. Khi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh. Phòng ngừa các bệnh lý có thể dẫn đến viêm não, thường là những bệnh nhiễm trùng thông thường ở trẻ em như: Sởi, quai bị và thủy đậu bằng việc tiêm chủng đầy đủ. Riêng đối với vi rút gây bệnh viêm não Nhật Bản thì tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất với 3 liều cơ bản, mũi 1, lúc trẻ được 1 tuổi; mũi 2, sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần, mũi 3, cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Chủ động phòng, chống bệnh

Bệnh viêm não do vi rút thường có biểu hiện ở 2 giai đoạn. Giai đoạn khởi phát, bệnh nhân có các dấu hiệu như: sốt cao đột ngột, liên tục 39-40 độ C, nhưng cũng có khi sốt nhẹ; nhức đầu, quấy khóc, kích thích, kém linh hoạt, nôn mửa. Cũng có thể có các triệu chứng khác tùy theo loại vi rút gây ra bệnh như: Ho, chảy nước mũi; tiêu chảy, phân không có nhầy, máu; phát ban nổi mẩn đỏ, bọng nước hoặc ban ở lòng bàn tay, bàn chân kèm loét miệng (bệnh tay chân miệng gặp ở viêm não do Enterovirus 71). Giai đoạn toàn phát, với các biểu hiện thần kinh như: Rối loạn tri giác từ nhẹ đến nặng, ngủ gà, li bì, lơ mơ đến hôn mê, co giật. Giai đoạn này bệnh có thể có các dấu hiệu thần kinh khác: Dấu hiệu màng não, các dấu hiệu thần kinh khu trú (liệt nửa người hoặc tứ chi), tăng hoặc giảm trương lực cơ, suy hô hấp, phù phổi cấp, suy tim hoặc sốc.

Bệnh viêm não nặng do vi rút có thể gây ra động kinh, khó thở, hôn mê và tử vong. Ở những người đã có bệnh viêm não nặng, một số vấn đề như: Mệt mỏi, sức khoẻ yếu, trầm cảm, hay đổi tính cách, trí nhớ kém có thể kéo dài trong một năm trở lên. Một số biến chứng có thể vĩnh viễn như: Giảm trí nhớ, không có khả năng nói mạch lạc, thiếu sự phối hợp cơ, tê liệt hoặc thính hoặc khiếm khuyết thị lực.

TS.BS Bùi Hữu Nam, Trung tâm bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho hay, thực tế, không ít trường trẻ bị bệnh nhưng do bố mẹ chủ quan, không nhận biết các dấu hiệu sớm của bệnh lý viêm não nên đã tự ý mua thuốc điều trị, chậm trễ trong việc đưa con đi viện khám. Hầu hết các trường hợp viêm não đến điều trị tại trung tâm đều chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đầy đủ mũi nhắc lại các loại vắc xin phòng các bệnh lý viêm não đã có, như: Viêm não Nhật Bản, phế cầu và vắc xin 6 trong 1. TS Bùi Hữu Nam khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần lưu tâm nếu trẻ sốt cao liên tục, nôn, có các triệu chứng rối loạn vận động và rối loạn ý thức như: Tay chân khó cử động, run, người li bì, lơ mơ, co giật, hôn mê, với trẻ lớn, trẻ có dấu hiệu đau đầu thì cần đưa con đến bệnh viện để khám ngay.

Nguồn:https://baobariavungtau.com.vn/