Botulinum là một chất độc tác động lên các dây thần kinh, do vi khuẩn Clostridium botulinum sản sinh ra trong quá trình phát triển (nhân đôi hay sinh bào tử).Vi khuẩn này phổ biến trong môi trường nên có thể lây nhiễm qua các khâu sản xuất, vận chuyển, bảo quản và sử dụng thực phẩm. Khi có điều kiện thuận lợi là môi trường kỵ khí (môi trường thiếu không khí), thường gặp nhất là những thức ăn bị nhiễm vi khuẩn được đóng hộp, thực phẩm muối chua,… các bào tử của Clostridium botulinum sẽ tái hoạt động, sinh sản, phát triển và tạo ra độc tố Botulinum.
Người bị ngộ độc do độc tố Botulinum có biểu hiện: Đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân và sau cùng là khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Để phòng tránh ngộ độc do độc tố Botulinum, người dân cần tuân thủ các khuyến cáo sau:
- Thực hiện ăn chín, uống chín, ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín. Độc tố Botulinum bị phân hủy ở nhiệt độ cao nên thức ăn đóng hộp cần nấu sôi hoặc hấp khoảng 10 phút trước khi ăn để bảo đảm an toàn.
- Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không nên sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường...
- Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối...) cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.
Ngộ độc thực phẩm do độc tố Botulinum có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng kéo dài nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy khi có các biểu hiện ngộ độc sau khi ăn uống thực phẩm nghi có Botulinum, cần nhanh chóng đưa người bị ngộ độc tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, xử trí kịp thời.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu