Chuyển đổi số nghành Y tế Chuyển đổi số nghành Y tế
"Bùng nổ" thanh toán không tiền mặt

Vài năm gần đây, hình thức thanh toán không tiền mặt ngày càng phổ biến. Mua bất cứ món hàng gì và có thể bất cứ nơi đâu, người tiêu cùng đều có thể quét mã QR, trả tiền qua ngân hàng hay qua các loại ví điện tử. Nhiều khoản chi tiêu thanh toán điện, nước, điện thoại, viễn thông và các dịch vụ công khác không dùng tiền mặt.

Nhân viên Agribank Chi nhánh Vũng Tàu hướng dẫn hộ kinh doanh ở phường 1 (TP.Vũng Tàu) sử dụng quét mã QR thanh toán.
Nhân viên Agribank Chi nhánh Vũng Tàu hướng dẫn hộ kinh doanh ở phường 1 (TP.Vũng Tàu) quét mã QR thanh toán.

15.000-20.000 đồng cũng chuyển khoản

Quán cà phê cóc của chị Hoa trong hẻm trên đường Lê Lợi (TP.Vũng Tàu) đã trang bị mã QR-code để thanh toán trực tuyến gần một năm nay. Thấy hình thức thanh toán này rất tiện lợi nên mỗi lần khách ghé uống cà phê chị đều khuyến khích khách hàng của mình thanh toán bằng cách quét mã QR-Code. Nhiều người tới quán chị cũng dần quen với hình thức thanh toán đó nên tự tin không mang theo tiền, chỉ cần mang theo điện thoại thông minh và thanh toán bằng chuyển khoản, dù chỉ là 15-20 ngàn đồng.

Không riêng gì quán cà phê cóc của chị Hoa, mà qua khảo sát tại các quán ăn, các chợ, cửa hàng thời trang cho thấy, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt qua dịch vụ ngân hàng điện tử có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Một trong những giải pháp thanh toán đang nổi lên hiện nay là thanh toán qua mã QR code. Có được thay đổi này một phần là nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ từ các ngân hàng, doanh nghiệp viễn thông. Đó là tổ chức các đợt ra quân tuyên truyền, hướng dẫn mở tài khoản và tạo mã QR cho tiểu thương tại các chợ truyền thống, trung tâm kinh doanh, cửa hàng bán lẻ.

Ông Hoàng Văn An, Phó Ban Quản lý chợ Vũng Tàu cũng cho biết, hiện nay hơn 100 tiểu thương kinh doanh tại chợ đã cài đặt mã QR code do Viettel Bà Rịa-Vũng Tàu hỗ trợ. Việc cài đặt mã QR góp phần tạo thuận lợi và thay đổi thói quen thanh toán cho cả người dân và tiểu thương.

Trước đó, các DN cung ứng điện, nước, điện thoại, viễn thông và các đơn vị cung cấp dịch vụ công khác trên địa bàn tỉnh cũng đã liên kết với ngân hàng để triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Kết quả cho thấy, số người dân, khách hàng sử dụng dịch vụ này ngày càng tăng. 

Ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, trong thời gian qua, công ty chú trọng phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, trích nợ tự động qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử. Đến nay, đơn vị đã liên kết 100% ngân hàng để người dân có thể dễ dàng lựa chọn.

Phương thức sử dụng QR code tăng trưởng mạnh nhất

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thời gian qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Tất cả các cơ sở dịch vụ như siêu thị, nhà hàng, cửa hàng, chợ dân sinh hay quán trà đá vỉa hè... đều có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Trong các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, phương thức sử dụng QR code có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất cả về số lượng và giá trị. Số lượng thanh toán năm sau luôn cao hơn năm trước. Phương thức sử dụng QR code trong năm 2022 tăng tới hơn 225% về số lượng và 244% về giá trị so với năm 2021. Trong 3 tháng đầu năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 53,5% về số lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thanh toán qua kênh Internet tăng hơn 88% về số lượng và 7,4% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 65,5% về số lượng và 13,3% về giá trị.

Đáng chú ý, thanh toán qua phương thức QR-code tăng mạnh mẽ nhất với 160,7% về số lượng và 43,8% về giá trị; qua máy POS tăng 37,5% về số lượng và 32% về giá trị. Riêng giao dịch qua ATM giảm 2,73% về số lượng và 4% về giá trị

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, 6 tháng đầu năm 2023, thanh toán không dùng tiền mặt qua các ngân hàng thương mại trên địa bàn ước đạt 79,1 triệu món (tăng 86% so với cùng kỳ năm trước) với doanh số thanh toán là 1.457.330 tỷ đồng (tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước). Tổng số máy ATM đang hoạt động trên địa bàn hiện có 414 máy với mạng lưới được phân bổ rộng khắp các địa bàn thành phố, thị xã, huyện thuộc tỉnh.

Trên thực tế, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng. Do đó, dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng để đạt mục tiêu đến năm 2025, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Trước mắt, tập trung vào việc hoàn thiện, trình Chính phủ nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt và các văn bản hướng dẫn nghị định 101, nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.

Về phía các ngân hàng thương mại, vẫn luôn phải đổi mới, thích ứng, cập nhật và đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng sản phẩm dịch vụ, có chính sách miễn, giảm phí phù hợp và cạnh tranh minh bạch, bình đẳng giữa các ngân hàng để khách hàng lựa chọn, tiết kiệm thời gian, chi phí cho khách hàng.

Chương trình Ngày không tiền mặt 16/6 do báo Tuổi Trẻ phát động lần đầu tiên vào năm 2019. Sau 4 năm triển khai, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã cùng với các bộ, ngành, các cơ quan liên quan kịp thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ đó đã tạo ra những chuyển biến rõ nét trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Đặc biệt trong bối cảnh số hóa dịch vụ, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thanh toán số trở thành xu hướng tất yếu, cơ sở hạ tầng và công nghệ được chú trọng đầu tư, kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu trong các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng với nhiều sản phẩm-dịch vụ thiết thực, phục vụ tiện ích cho người dân, DN nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.

Nguồn: http://www.baobariavungtau.com.vn