Thông tin Y tế Thông tin Y tế
Gia tăng ca mắc tay chân miệng biến chứng nặng, khuyến cáo quan trọng của bác sĩ

Theo thống kê của Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế, từ đầu năm đến nay đơn vị tiếp nhận 79 ca bệnh tay chân miệng, trong đó có nhiều ca bệnh nặng, một số ca phải thở máy.

Gia tăng ca mắc tay chân miệng nặng, khuyến cáo quan trọng của bác sĩ - Ảnh 1.

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận 79 ca bệnh tay chân miệng, trong đó có nhiều ca bệnh nặng,

Thời gian gần đây, một số địa phương trên cả nước ghi nhận nhiều ca mắc tay chân miệng, đặc biệt có ca tử vong. Tại Bệnh viện Trung ương Huế, đến nay mặc dù chưa có ca tử vong nhưng đã ghi nhận nhiều ca biến chứng nặng, thậm chí phải thở máy.

Đưa con vào điều trị tại Khoa Tiêu hóa – Tiết niệu – Bệnh nhiệt, Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế suốt hơn 5 ngày nay, chị Đ.T.L (27 tuổi, trú tại thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) cho biết, khoảng 7 ngày trước, con chị bị sốt cao không giảm, không đi được, nổi bọng nước ở lòng bàn tay và miệng, quấy khóc. Lo lắng con bệnh nặng, gia đình đã đưa cháu vào Bệnh viện Trung ương Huế để thăm khám, điều trị.

"Sau khi làm các thủ tục, qua thăm khám, các bác sĩ kết luận, cháu mắc tay chân miệng, phải nhập viện điều trị, theo dõi. Đến nay, sau 5 ngày, khi được các y, bác sĩ quan tâm theo dõi, điều trị tích cực, cháu đã hạ sốt, ăn được và đang dần ổn định", chị L. nói.

Chị N.T.T.H trú tại tỉnh Quảng Bình cho hay, sau nhiều ngày nổi nốt đỏ trên người, sốt cao 39-40 độC, nôn nhiều và điều trị tại bệnh viện tuyến huyện ở Quảng Bình không thuyên giảm, con trai chị được chỉ định chuyển viện vào Bệnh viện Trung ương Huế. "Cháu được theo dõi hồi sức tích cực trong 6 ngày liên tục. Đến nay, cháu đã cai được máy thở và được đưa ra khỏi phòng hồi sức", chị H. nói.

Gia tăng ca mắc tay chân miệng nặng, khuyến cáo quan trọng của bác sĩ - Ảnh 1.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi mắc tay chân miệng.

ThS.BS Phạm Hữu Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, từ đầu năm đến nay Trung tâm tiếp nhận 79 ca bệnh tay chân miệng, riêng tháng 7 đột biến với 54 ca. Có 15 ca bệnh nặng cấp độ 2 trở lên đến cấp độ 3, 2 ca phải thở máy. Qua điều trị, tất cả các ca bệnh nặng đến thời điểm này sức khỏe đã bình phục, nhiều ca đã ra viện.

Theo lãnh đạo Trung tâm Nhi, năm nay, chủng EV71 gây bệnh tay chân miệng phổ biến hơn những năm trước và nhiều ca bệnh diễn biến nặng. Nguồn lây tay chân miệng ở tỉnh chủ yếu xuất phát từ nguồn lây ở các tỉnh phía Nam. Số bệnh nặng chủ yếu được chuyển đến từ tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và các tỉnh phía Nam.

"Hiện tại, Bệnh viện Trung ương Huế vẫn đảm bảo về cung ứng thuốc, trang thiết bị để cấp cứu, điều trị cho các ca bệnh nặng", ThS.BS Phạm Hữu Trí nói.

PGS.TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, không có trường hợp tử vong. Dịch bệnh tay chân miệng giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.

"Để đảm bảo công tác điều trị bệnh tay chân miệng, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc chuẩn bị đầy đủ thuốc men, hóa chất để đáp ứng công tác điều trị bệnh", PGS.TS Trần Kiêm Hảo nói.

Do đó để chủ động phòng, chống bệnh người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Ngoài ra, cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng. Đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho rằng, người dân cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Đặc biệt, không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn