Thông tin Y tế Thông tin Y tế
Tiếp tục phối hợp, đồng hành cùng ngành y tế trong triển khai các hoạt động về an toàn vệ sinh lao động

Trong những năm qua, đặc biệt từ sau khi Luật An toàn vệ sinh lao động được ban hành, Ban cán sự đảng, Đảng bộ và Bộ Y tế đã xác định rõ vai trò và trách nhiệm trong công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động nói chung, người lao động ngành y tế nói riêng.

Đoàn công tác của Ban cán sự Đảng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nắm bắt việc triển khai Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã làm việc với Bộ Y tế chiều ngày 7/8 về nội dung này.

Tiếp và làm việc với đoàn, về phía Bộ Y tế có PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Uỷ viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế; PGS.TS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam; đại diện Lãnh đạo các vụ/cục/bệnh viện thuộc, trực thuộc Bộ Y tế...

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại buổi làm việc.

Tích cực triển khai các hoạt động về an toàn vệ sinh lao động

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, theo quy định tại Luật An toàn vệ sinh lao động, ngành y tế có 8 nhiệm vụ liên quan đến công tác vệ sinh lao động. Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường công tác an toàn vệ sinh lao động cho gần 500 ngàn cán bộ y tế các tuyến. Ngoài ra trong giai đoạn 2020-2022 Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ/ngành triển khai công tác phòng chống dịch tại nơi làm việc, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế.

Việc lãnh đạo, chỉ đạo phổ biến, quán triệt, xây dựng kế hoạch, Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW được chú trọng từ Trung ương đến địa phương; Công tác phối hợp của các cấp, các ngành, đoàn thể trong việc triển khai, quán triệt, thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả. Bên cạnh đó, hằng năm Bộ Y tế cũng chỉ đạo thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW của Ban Bí thư.

Bộ Y tế đã tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh/thành phố phổ biến, triển khai đầy đủ và sâu rộng nội dung Chỉ thị 29-CT/TW, Luật An toàn vệ sinh lao dộng, Quyết định số 659/QĐ-TTg,... Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với các Bộ, ngành, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai: Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động, Tháng Công nhân hằng năm; Tham gia Đối thoại doanh nghiệp...

Đoàn công tác đi thực tế tại Bệnh viện Phổi Trung ương.

92,5% đơn vị đã thành lập Hội đồng an toàn vệ sinh lao động; 82,5% đơn vị đã thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên; 87,5% đơn vị cử người làm công tác y tế, một số đơn vị đã thành lập bộ phận y tế.

Giai đoạn 2013-2023, trung bình mỗi năm tổ chức 1.070 lớp huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho 96.799 lượt người lao động. Hầu hết các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế đã tuân thủ quy định về huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho các nhóm đối tượng.

Tiếp tục phối hợp, đồng hành cùng ngành y tế trong triển khai các hoạt động về an toàn vệ sinh lao động

Tại buổi làm việc, Bộ Y tế cũng thông tin, thực hiện nhiệm vụ đánh giá việc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày18/9/2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Ban Bí thư, ngay sau khi nhận được Kế hoạch số 383-KH/BCSĐ ngày 25/5/2023 của Ban cán sự đảng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Ban Cán sự đảng Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế và 63 Sở Y tế tỉnh, thành phố tiến hành tổng kết, đánh giá và báo cáo kết quả tổ chức thực hiện. Đến nay, Bộ Y tế đã hoàn chỉnh Báo cáo đánh giá việc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư.

Tại buổi làm việc, các thành viên tham gia đoàn công tác đã thống nhất đánh giá cao kết quả, nỗ lực của Bộ Y tế trong triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến an toàn vệ sinh lao động trong toàn ngành; Cùng đó các đại biểu đã trao đổi, thảo luận một số nội dung để nâng cao hiệu quả của công tác này trong giai đoạn tiếp theo.

Tiếp tục phối hợp, đồng hành cùng ngành y tế trong triển khai các hoạt động về an toàn vệ sinh lao động - Ảnh 3.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh bày tỏ đồng quan điểm với các thành viên đoàn công tác đánh giá cao báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW của Bộ Y tế rất đầy đặn, đã nêu bật những kết quả đạt được, trong đó có nhiều cách làm hay, sáng tạo được nhắc đến.

"Thay mặt đoàn công tác, chúng tôi đánh giá cao Bộ Y tế trong triển khai thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bộ Y tế đã triển khai Chỉ thị trên nhiều phương diện, ngành đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch, tổ chức kiểm tra, giám sát, tổ chức các hoạt động chuyên môn lồng ghép với truyền thông về chính sách vệ sinh an toàn lao động, tổ chức khám sức khỏe nghề nghiệp cho người lao động của ngành…"- Thứ trưởng Lê Văn Thanh nói.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng khẳng định, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Y tế trong triển khai thực hiện công tác vệ sinh an toàn lao động.

Phát biểu đáp từ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nêu rõ, ngành y tế tiếp tục phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các bộ, ngành liên quan tiếp tục triển khai công tác an toàn vệ sinh lao động trong ngành y tế. Bộ Y tế mong tiếp tục nhận được sự phối hợp của các bộ, ban, ngành liên quan.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng yêu cầu các đơn vị liên quan của Bộ Y tế tiếp thu những nội dung các đại biểu tham gia đoàn công tác đã góp ý để hoàn thiện hơn công tác an toàn vệ sinh lao động trong ngành y tế.

Trước khi làm việc với Bộ Y tế, đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế tại Bệnh viện Phổi Trung ương về việc thực hiện Chỉ thị 29.

Báo cáo của Bệnh viện cho biết đã thực hiện phổ biến, quán triệt Chỉ thị 29-CT/TW và Luật An toàn vệ sinh lao động trong các lớp tập huấn về công tác an toàn vệ sinh lao động, phổ biến văn bản tới các khoa, phòng, trung tâm, đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bệnh viện.

Về công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khoẻ, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2013-2022, Bệnh viện Phổi Trung ương đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ khoa học kỹ thuật và môi trường của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường để thực hiện quan trắc môi trường lao động tại Bệnh viện 01 lần/năm.

Đoàn công tác của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội làm việc tại Bệnh viện Phổi Trung ương.

Thực hiện Nghị định 44/2016/NĐ-CP của Chính phủ, từ năm 2017, Bệnh viện thực hiện đánh giá thêm chỉ tiêu tâm sinh lý lao động (Ecgonomi) và đánh giá tiếp xúc nghề nghiệp tại một số khoa, trung tâm. Các yếu tố đánh giá tiếp xúc nghề nghiệp tại một số khoa như khám Khám bệnh, khoa Chẩn đoán hình ảnh, khoa Bệnh phổi nghề nghiệp, khoa Giải phẫu bệnh… bao gồm yếu tố vi sinh vật, lao, cúm, phóng xạ,...Đối với các mẫu quan trắc môi trường lao động được đánh giá không đạt, Bệnh viện đã thực hiện các biện pháp cải thiện ngay sau mỗi đợt quan trắc.

Trong 10 năm qua, đã có 7.673/8.265 lượt viên chức, người lao động được khám sức khỏe định kỳ, đạt tỷ lệ 92,84%. Cùng đó, Bệnh viện đã tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; tổ chức khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm cho viên chức, người lao động làm việc tại khoa Chẩn đoán hình ảnh, một số bác sĩ làm việc tại khoa Cấp cứu, khoa Ngoại tổng hợp có công việc chuyên môn liên quan tới công tác an toàn bức xạ…

Qua đó đã phát hiện 23 người lao động, viên chức đã được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp là 23 người, trong đó 8 trường hợp đã được hưởng chế độ trợ cấp bệnh nghề nghiệp, các trường hợp còn lại đã lập hồ sơ khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và đang thực hiện các bước tiếp theo.

Ngoài ra, bệnh viện trang bị các phương tiện bảo hộ lao động cho người lao động theo quy định (quần áo, mũ, khẩu trang, găng tay, ủng, xà phòng, dụng cụ làm việc,…); Ngoài ra do môi trường Bệnh viện về chuyên ngành lao và bệnh phổi, bệnh viện chú trọng các biện pháp về thông gió, ưu tiên thông gió tự nhiên nhằm giảm thiểu các yếu tố có hại cho người lao động. Cùng đó, Bệnh viện thực hiện duy trì các biện pháp như giảm thời gian làm việc cho người lao động tại các vị trí làm việc trực tiếp với vi khuẩn lao (6 giờ/ngày); phân chia các ca kíp, số lượng người trực phù hợp, đảm bảo thời gian nghỉ ngơi cho người lao động sau mỗi ca kíp làm việc…

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn