Thông tin Y tế Thông tin Y tế
Lo ngại gia tăng số ca tay chân miệng

Bác sĩ Vương Quang Thắng, Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bà Rịa) cho hay, thời điểm này năm ngoái, khoa không có bệnh nhân tay chân miệng (TCM). Ngược lại, năm nay, khoa đã tiếp nhận và điều trị nội trú cho nhiều ca mắc TCM, có ngày 14 ca. Đây là một sự khác thường, dự báo có khả năng số ca mắc bệnh TCM sẽ gia tăng trong thời gian tới. Vì vậy, phụ huynh không được chủ quan, xem nhẹ căn bệnh này.

Bác sĩ Vương Quang Thắng khám cho một trường hợp mắc TCM.
Bác sĩ Vương Quang Thắng khám cho một trường hợp mắc TCM.

Hiện tại, bệnh TCM chưa có vắc xin phòng ngừa. Trong khi đó, bệnh diễn tiến nhanh, khó lường, nếu không được phát hiện, can thiệp kịp thời dễ gây các biến chứng nguy hiểm như viêm não, thậm chí gây tử vong cho người bệnh.

Trước sự phức tạp của bệnh TCM, khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ của Khoa Nhi sẽ kiểm tra và khám kỹ cho từng trường hợp, không bỏ sót dấu hiệu của bệnh. Khoa còn phát các tờ rơi tuyên truyền giúp phụ huynh nhận diện các dấu hiệu bất thường của trẻ và báo ngay cho nhân viên y tế để được xử lý kịp thời.

Bác sĩ Vương Quang Thắng khuyến cáo, phụ huynh phòng bệnh TCM cho trẻ bằng các biện pháp như: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; vệ sinh sạch sẽ đồ chơi và nơi sinh hoạt; không cho trẻ ngậm đồ chơi, mút tay; thực hiện ăn chín, uống sôi và bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ.

Ngoài ra, mỗi khi trẻ đi học về, phụ huynh phải quan sát và kiểm tra sức khỏe của trẻ. Đặc biệt, khi trẻ sốt cao đột ngột, không đáp ứng với thuốc hạ sốt và có những tổn thương ở miệng, nổi dạng phỏng nước ở tay, chân… thì đưa con đến các cơ sở để khám và được chẩn đoán sớm bệnh.

Nguồn:https://baobariavungtau.com.vn/