Thông tin Y tế Thông tin Y tế
COVID-19 sang nhóm B: Kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh này thế nào?

Khi COVID-19 là bệnh nhóm B, việc giám sát COVID-19 sẽ lồng ghép vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp, đồng thời, lồng ghép tiêm vaccine COVID-19 vào buổi tiêm chủng thường xuyên...

Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, COVID-19 đã trở thành bệnh nhóm B theo quy định tại Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Theo đó, các biện pháp phòng chống dịch cũng được điều chỉnh phù hợp với bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế trong những năm gần đây, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng phát triển, các đại dịch nói chung đang tăng dần tần suất xuất hiện. Tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hóa… tạo thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan và bùng phát.

Quán triệt quan điểm thực hiện hiệu quả việc phòng bệnh từ sớm, từ xa, để hạn chế dịch bệnh bùng phát và chuẩn bị sẵn sàng, chủ động ứng phó trong trường hợp COVID-19 quay trở lại với các biến chủng nguy hiểm hoặc với các đại dịch, các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh, Bộ Y tế xây dựng Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19, giai đoạn 2023-2025.

COVID-19 sang nhóm B: Việc kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh này thế nào? - Ảnh 1.

COVID-19 chuyển sang nhóm B, việc giám sát COVID-19 sẽ lồng ghép vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp.

Giám sát COVID-19 sẽ lồng ghép vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp

Tại Kế hoạch này, Bộ Y tế đề ra mục tiêu bảo đảm kiểm soát hiệu quả, bền vững dịch COVID-19 để bảo vệ tối đa sức khoẻ của người dân góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó về giám sát, trong Kế hoạch nêu rõ, cùng với theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong nước, cung cấp kịp thời các thông tin về tình hình dịch bệnh, việc giám sát COVID-1i9 sẽ lồng ghép vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp, bao gồm giám sát trọng điểm hội chứng Cúm (ILI), giám sát viêm phổi nặng do virus (SVP), giám sát đặc điểm di truyền của virus SARS-CoV-2 để theo dõi các biến thể của virus; Cùng đó thực hiện đánh giá nguy cơ định kỳ và đột xuất, triển khai ngay các đáp ứng trong phòng, chống dịch tương ứng với các mức nguy cơ;  Rà soát, sửa đổi, cập nhật hướng dẫn giám sát và phòng, chống COVID-19 phù hợp tình hình dịch.

Đối với điều trị, Kế hoạch của Bộ Y tế có các nội dung: Bảo đảm năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các cơ sở khám, chữa bệnh; Tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong các cơ sở y tế, chú trọng bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, người bệnh hồi sức tích cực, thận nhân tạo...);

Triển khai các hoạt động về quản lý, chăm sóc, điều trị và hỗ trợ người mắc có nguy cơ chuyển nặng ngay tại cộng đồng; theo dõi và kịp thời điều trị các biến chứng sau khi mắc COVID-19; Tổ chức phổ biến về Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19, Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám chữa bệnh; tiếp tục theo dõi, rà soát, sửa đổi, cập nhật phù hợp với tình hình mới;

Cùng đó, rà soát, thống kê, điều chỉnh nhu cầu trang thiết bị y tế, hồi sức bao gồm máy móc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu, phương tiện phòng hộ cá nhân, ô xy y tế,… phục vụ cho phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình mới.

Lồng ghép tiêm vaccine COVID-19 vào buổi tiêm chủng thường xuyên

Bộ Y tế cũng nêu rõ việc xây dựng và triển khai kế hoạch sử dụng vaccine phòng chống COVID-19 phù hợp theo đối tượng, lịch tiêm chủng. Ưu tiên tiêm chủng nhóm nguy cơ cao.

Lồng ghép tiêm vaccine COVID-19 vào buổi tiêm chủng thường xuyên tại các cơ sở y tế hoặc tổ chức tiêm chủng chiến dịch phù hợp với thực tế triển khai tại địa phương.

COVID-19 sang nhóm B: Việc kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh này thế nào? - Ảnh 2.

Việc tiêm vaccine COVID-19 sẽ lồng ghép vào buổi tiêm chủng thường xuyên.

Về dự phòng cá nhân, Bộ Y tế khuyến khích người dân thực hiện 2K (Khẩu trang - Khử khuẩn). Khuyến khích đeo khẩu trang tại nơi đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế;

Thường xuyên vệ sinh tay bằng xà phòng với nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường, đặc biệt sau khi tiếp xúc với bề mặt nghi nhiễm, ho, hắt hơi; Định kỳ vệ sinh bề mặt nơi ở, sinh hoạt, làm việc.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo những trường hợp nghi mắc bệnh/mắc bệnh nhẹ hạn chế tiếp xúc với người khác, tự cách ly.

Bộ Y tế nêu rõ, phương án bảo đảm công tác y tế trong tình huống có biến chủng mới nguy hiểm hơn, dịch COVID-19 bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế sẽ được cập nhật và điều chỉnh theo diễn biến dịch bệnh và các biện pháp triển khai công tác phòng, chống dịch trên thực tế.

Nguồn: https://moh.gov.vn