Thông tin Y tế Thông tin Y tế
Không chủ quan với sốt xuất huyết dù số ca mắc giảm

Số ca mắc sốt xuất huyết tại Quảng Bình giảm tới 86% so với cùng kỳ năm 2022. Ngành Y tế tỉnh này vẫn khuyến cáo người dân và các đơn vị y tế không chủ quan trong công tác phòng, chống, tránh nguy cơ bùng phát dịch.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình cho biết, từ đầu năm đến nay có 796 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 8 huyện, thị xã, thành phố. Số ca mắc giảm tới 86% so với cùng kỳ năm 2022 (796/5. 700 ca), không có bệnh nhân tử vong.

Quảng Bình không chủ quan với sốt xuất huyết dù số ca mắc chỉ bằng 1/7 năm ngoái - Ảnh 1.
 

Từ đầu năm đến nay, Quảng Bình ghi nhận 796 trường hợp mắc sốt xuất huyết.

Cụ thể, 2 địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết nhiều nhất là huyện Bố Trạch 206 ca và Quảng Ninh 150 ca. Địa bàn thành phố Đồng Hới ghi nhận 133 ca, huyện Lệ Thủy 115 ca, các huyện còn lại dưới 100 ca.

BS. Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc CDC Quảng Bình cho biết, thời gian qua, dịch sốt xuất huyết được kiểm soát tốt, chỉ xuất hiện rải rác từ 3-5 ca mỗi ngày tại một số địa bàn.

Tuy nhiên, từ ngày 23/10 đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng, trung bình khoảng 10 ca/ngày. Dự báo tình hình dịch bệnh này diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình khuyến cáo các địa phương và người dân không lơ là, chủ quan, cần tăng cường các biện pháp phòng sốt xuất huyết. Người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng, thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy.

Quảng Bình không chủ quan với sốt xuất huyết dù số ca mắc chỉ bằng 1/7 năm ngoái - Ảnh 2.

Người dân, các đơn vị cần thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy, tránh muỗi đốt...

Người dân cần ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bản thân hoặc người nhà có dấu hiệu sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Cùng với đó, các đơn vị y tế chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, thuốc men, dịch truyền, sẵn sàng thu dung điều trị bệnh nhân. Các đơn vị bảo đảm vệ sinh, xử lý môi trường cơ sở y tế không để muỗi sốt xuất huyết lưu hành, tránh nguy cơ trở thành ổ dịch.

BS. Đỗ Xuân Tính, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật - Tư vấn điều trị nghiện chất, Trung tâm Y tế huyện Bố Trạch cho biết, thời gian qua địa bàn xuất hiện một số ổ dịch sốt xuất huyết nhỏ.

Quảng Bình không chủ quan với sốt xuất huyết dù số ca mắc chỉ bằng 1/7 năm ngoái - Ảnh 3.

Nhân viên y tế phun hóa chất diệt muỗi khu vực có nguy cơ cao.

Qua điều tra, giám sát dịch tễ, giám sát vectơ sốt xuất huyết, các chỉ số cho thấy nguy cơ cao bùng phát thành dịch. Trung tâm Y tế huyện Bố Trạch nhanh chóng triển khai phun hóa chất phòng, chống sốt xuất huyết chủ động tại các địa bàn có nguy cơ.

Đơn vị này tiếp tục phối hợp với các trạm y tế, chính quyền địa phương và các đoàn thể của các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tìm và diệt bọ gậy, tổng vệ sinh môi trường nhằm hạn chế muỗi truyền bệnh phát triển làm lây lan nguồn bệnh trong cộng đồng. Đồng thời, cử cán bộ thường xuyên giám sát các ổ dịch cũ, các địa bàn có bệnh nhân mắc SXH để kịp thời có phương án xử lý./.

Nguồn: https://moh.gov.vn