Thông tin Y tế Thông tin Y tế
Nhiều hoạt động góp phần giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con

Hướng tới mục tiêu loại trừ loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030, ngành Y tế tỉnh Quảng Trị tiếp tục triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên địa bàn thông qua nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là chương trình nhằm mục tiêu góp phần giảm số trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ, cải thiện chất lượng cuộc sống của phụ nữ nhiễm HIV cũng như giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Theo các chuyên gia, nếu không có can thiệp thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể từ 15-45%. Tuy nhiên, nếu được điều trị dự phòng tích cực cho mẹ và con thì tỷ lệ này có thể giảm xuống chỉ còn dưới 2%.

Những năm qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Trị triển khai đồng bộ nhiều hoạt động. Trong đó, việc triển khai tư vấn xét nghiệm phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai (PNMT) có ý nghĩa quan trọng, để từ đó áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng hiệu quả.

Nhiều hoạt động góp phần giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con - Ảnh 1.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai.

Chị H.T.D (trú thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh) cho biết, từ ngày biết bị nhiễm HIV, chị không dám nghĩ đến việc sinh con vì sợ con sẽ bị lây bệnh. Thế nhưng sau mười năm, chị đã có thể sinh được một đứa con hoàn toàn khỏe mạnh, kết quả xét nghiệm cho thấy cháu bé không hề bị lây nhiễm.

"Bác sĩ điều trị trực tiếp cho tôi giải thích, có được kết quả này một phần do bản thân tôi đã thực hiện rất tốt các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong suốt quá trình mang thai và sinh đẻ. Tôi và gia đình tôi cảm thấy may mắn và hạnh phúc", chị D. nói.

Nói về lợi ích của hoạt động tư vấn xét nghiệm trong công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho PNMT, BSCKI Nguyễn Tiến Nam, Phụ trách Khoa phòng, chống HIV/AIDS, CDC tỉnh Quảng Trị cho biết, hoạt động tư vấn xét nghiệm phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV ở PNMT để áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc góp phần giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Hoạt động này giúp PNMT chưa biết về HIV biết về HIV, biết về xét nghiệm HIV, về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Giúp PNMT nhiễm HIV thực hiện các biện pháp can thiệp dự phòng theo từng giai đoạn của quá trình mang thai. Thông qua đó, họ thực hiện các hành vi an toàn để làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho mình và cho con. Đồng thời, hoạt động tư vấn xét nghiệp còn có ý nghĩa hỗ trợ về mặt tình cảm, tâm lý cho PNMT nhiễm HIV.

Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2023, CDC tỉnh Quảng Trị đã lấy mẫu xét nghiệm HIV cho 134 PNMT tại cộng đồng, tổ chức 16 lớp tư vấn nói chuyện chuyên đề về phòng, chống HIV cho 470 đối tượng bao gồm PNMT và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại 8 huyện, thị xã trên toàn tỉnh.

Nhờ có các hoạt động tuyên truyền, tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV cho PNMT được triển khai một cách thường xuyên, liên tục và rộng rãi đến tận tuyến xã nên trong 9 tháng đầu năm 2023, không có bà mẹ mang thai ở Quảng Trị được phát hiện bị nhiễm HIV.

BSCKI Nguyễn Tiến Nam cho hay, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền về phòng, chống HIV nói chung và phòng, chống lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng. Cùng với việc không ngừng nâng cao công tác chuyên môn, sẽ tiếp tục duy trì công tác tư vấn xét nghiệm HIV cho đối tượng PNMT đến tận tuyến y tế cơ sở, xã, phường. Đồng thời tăng cường phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, tổ chức trong và ngoài tỉnh triển khai hiệu quả hơn nữa các hoạt động trong công tác phòng chống HIV trên địa bàn toàn tỉnh.

"Riêng với chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, để đem lại hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế, chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần chủ động tìm hiểu kiến thức để dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Phụ nữ trước khi mang thai, trong quá trình mang thai cần tham gia tư vấn xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt. Trường hợp PNMT nhiễm HIV cần tiếp cận điều trị dự phòng sớm để đảm bảo sức khỏe cho bản thân cũng như giảm thiểu tối đa nguy cơ lây truyền HIV cho con của mình", BSCKI Nguyễn Tiến Nam nhấn mạnh./.

Nguồn: https://moh.gov.vn