Thông tin Y tế Thông tin Y tế
Cảnh báo dịch sốt xuất huyết bùng phát tại thời điểm giao mùa

Sốt xuất huyết là một căn bệnh do virus sốt xuất huyết gây ra, lây truyền sang người qua vết đốt của muỗi bị nhiễm bệnh, đặc biệt là muỗi Aedes aegypti. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết về bệnh sốt xuất huyết.

Cảnh báo dịch sốt xuất huyết bùng phát tại thời điểm giao mùa - Ảnh 1.

Sốt xuất huyết là bệnh gì?

Sốt xuất huyết là bệnh do virus sốt xuất huyết gây ra, lây truyền sang người qua vết đốt của muỗi mang mầm bệnh, đặc biệt là muỗi Aedes aegypti. Bốn chủng virus gây sốt xuất huyết là DENV-1, DENV-2, DENV-3 và DENV-4.

Hầu hết người bệnh không có triệu chứng. Tuy nhiên, có một số triệu chứng phổ biến có thể kể đến như sốt cao, đau mỏi người, phát ban, trường hợp nặng có thể gây tử vong.

Yếu tố nguy cơ

- Tiền sử mắc sốt xuất huyết.

- Đô thị hóa, mật độ dân số, nguồn nước,...

- Kiến thức của người dân trong việc phòng bệnh sốt xuất huyết.

- Địa lý, sự biến đổi khí hậu.

Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là do nhiễm virus sốt xuất huyết (DENV), thuộc một trong bốn chủng: DENV-1, DENV-2, DENV-3 hoặc DENV-4.

Virus này lây truyền qua vết cắn của muỗi Aedes aegypti. Khi muỗi cái đốt người trong giai đoạn sốt hoặc nhiễm virus (khi virus có trong máu), virus sốt xuất huyết có thể xâm nhập vào tế bào dạ dày và tuyến nước bọt của muỗi. Sau đó, virus sẽ trải qua thời gian ủ bệnh từ 8 - 12 ngày trong cơ thể muỗi. Khi muỗi nhiễm bệnh đốt người khác, nó có thể truyền virus vào máu người bị cắn, khiến triệu chứng sốt xuất huyết phát triển trong vòng 3 - 15 ngày.

Cảnh báo dịch sốt xuất huyết bùng phát tại thời điểm giao mùa - Ảnh 2.

Các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết

Cảnh báo dịch sốt xuất huyết bùng phát tại thời điểm giao mùa - Ảnh 3.

Trong lần nhiễm virus sốt xuất huyết đầu tiên (DENV), hơn 90% trường hợp không có triệu chứng hoặc gặp các triệu chứng nhẹ tương tự như cảm lạnh thông thường. Thông thường, các triệu chứng sẽ xuất hiện 4-10 ngày sau khi người bệnh bị muỗi nhiễm bệnh đốt.

Với bệnh nhân nhiễm virus lần thứ 2 với chủng khác, các triệu chứng có thể nặng hơn. Có ba giai đoạn của triệu chứng sốt xuất huyết:

- Giai đoạn sốt: Ở giai đoạn này, người bệnh thường xuất hiện tình trạng sốt đột ngột, sốt cap 39-40 độ C, kéo dài liên tục từ 2-7 ngày kèm theo triệu chứng đau đầu, đau cơ, buồn nôn, đau khớp, xuất hiện đốm xuất huyết trên da,...

- Giai đoạn 2 (Giai đoạn nguy kịch): Thường xảy ra 3-7 ngày sau giai đoạn sốt. Giai đoạn này cần theo dõi chặt chẽ vì có thể xuất hiện tình trạng sốc, xuất huyết. Các triệu chứng của giai đoạn này bao gồm: Chảy máu bất thường, buồn nôn, đau bụng, mệt mỏi, đổ mồ hôi, khó thở, mạch nhanh,...

- Giai đoạn phục hồi: cơ thể dần hồi phục, các triệu chứng dần được cải thiện.

Chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết

Chẩn đoán

- Khai thác bệnh sử.

- Xét nghiệm Garo.

- Xét nghiệm công thức máu.

- Xét nghiệm di truyền phân tử.

Điều trị

Không có phương pháp điều trị cụ thể, chủ yếu là điều trị triệu chứng cho người bệnh sớm phục hồi sức khỏe. Việc phát hiện sớm và có kế hoạch chăm sóc đầy đủ góp phần đáng kể trong việc làm giảm tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết nặng.

- Sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau Acetaminophen. Không nên sử dụng các thuốc chống viêm không steroid (như Ibuprofen, Aspirin) vì có thể làm tăng nguy cơ chảy máu ở người bệnh.

- Bù nước để ngăn ngừa tình trạng mất nước.

- Lau người bằng nước ấm giúp làm giảm nhiệt độ cơ thể.

- Ăn các thức ăn mềm, lỏng.

- Theo dõi triệu chứng, không nên tự ý điều trị tại nhà, cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ hướng dẫn cụ thể..

- Truyền máu: Trong trường hợp xuất huyết nội tạng, bác sĩ có thể chỉ định truyền máu cho bệnh nhân khi cần thiết.

Hiện nay, vắc xin Dengvaxia đã được phê duyệt và cấp phép sử dụng ở một số quốc gia. Tuy nhiên, chỉ những bệnh nhân có tiền sử mắc sốt xuất huyết trước đó thì mới được vắc xin bảo vệ.

Phòng bệnh sốt xuất huyết

Cảnh báo dịch sốt xuất huyết bùng phát tại thời điểm giao mùa - Ảnh 4.

Muỗi truyền sốt xuất huyết thường hoạt động vào ban ngày do đó để làm giảm nguy cơ mắc bệnh, mỗi cá nhân cần biết cách bảo vệ bản thân tránh bị muỗi đốt thông qua việc:

- Mặc quần áo dài tay để hạn chế nguy cơ bị muỗi đốt.

- Ngủ màn.

- Sử dụng thuốc đuổi muỗi.

- Diệt bọ gậy tại khu vực đang sinh sống, thường xuyên thay nước trong bình cắm hoa, thả cá vào bể chứa nước, vệ sinh các dụng cụ chứa nước, thu gom rác thải đúng nơi quy định,...

- Khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, cần thông báo cho Trạm Y tế. Tiến hành chữa bệnh tại các cơ sở y tế, không tự ý điều trị.

- Mỗi cá nhân cần có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương nơi mình đang sinh sống để đảm bảo phòng chống dịch.

Nguồn:https://suckhoedoisong.vn/