Thông tin Y tế Thông tin Y tế
Loại hình nào cần được quan tâm và đầu tư để phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao cho y tế cơ sở

Loại hình nào cần được quan tâm và đầu tư để phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao cho y tế cơ sở

 
 

Nếu như "bác sĩ nội trú" luôn được các bệnh viện xác định là loại hình đào tạo không thể thiếu vì chất lượng của loại hình nhân lực này phù hợp với sự phát triển của các bệnh viện, vậy loại hình nhân lực nào sẽ là loại hình chất lượng cao dành cho y tế cơ sở?

Đào tạo "bác sĩ nội trú" tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu để bổ sung nguồn nhân lực y tế chất lượng cao cho các bệnh viện (Ảnh: Minh hoạ) 

 
Mới đây, ngày 25/10/2023, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Theo đó, Chỉ thị nêu rõ phải tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật để bảo đảm y tế cơ sở giữ vai trò tuyến đầu trong phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đồng thời chỉ rõ "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở với số lượng, cơ cấu phù hợp, đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ, …".


Đã qua một thời gian rất dài cho đến nay, gần như các Trưởng trạm y tế phường, xã đều rất mừng khi nghe tin sẽ có bác sĩ sẽ về công tác (đối với trường hợp luân phiên bác sĩ từ tuyến trên về hỗ trợ cho tuyến y tế cơ sở) hoặc sẽ được tiếp nhận bác sĩ mới (đối với trường hợp tuyển dụng mới nhân lực cho trạm y tế), mà không cần biết bác sĩ có chứng chỉ chuyên ngành gì, miễn sao có bác sĩ là tốt rồi. Đó là một thực trạng đáng lo về nguồn lực bác sĩ cho y tế cơ sở. Thực tiễn cho thấy, yêu cầu đầu tiên trong nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở là phải xác định rõ loại hình nhân lực y tế nào phù hợp cho y tế cơ sở, nhất là hoạt động khám, chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế phường, xã, thị trấn. Từ đó, xây dựng các hướng dẫn, các cơ chế chính sách để phát triển và thu hút nguồn nhân lực cho y tế cơ sở.


Nếu như "bác sĩ nội trú" luôn được các bệnh viện xếp vào nhóm đối tượng ưu tiên khi có nhu cầu tuyển dụng bổ sung nguồn nhân lực, và qua thực tiễn hàng chục năm qua có thể khẳng định loại hình đào tạo "bác sĩ nội trú" chính là loại hình nhân lực y tế chất lượng cao dành cho các bệnh viện, rất cần được củng cố và nhân rộng cả về số lượng và chất lượng đào tạo. Với nền tảng kiến thức và kỹ năng chuyên môn có được qua thời gian đào tạo, các bác sĩ nội trú thật sự đã đáp ứng tốt các yêu cầu của hoạt động khám, chữa bệnh tại các bệnh viện, đồng thời, nếu các bác sĩ tiếp tục được đào tạo theo hướng chuyên khoa (bác sĩ chuyên khoa 2 nếu đi theo hướng thực hành) hay làm nghiên cứu sinh (nếu đi theo hướng giảng dạy) là hoàn toàn phù hợp. Có thể khẳng định chương trình đào tạo loại hình "bác sĩ nội trú" là một chương trình đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao dành cho các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối (cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu theo Luật Khám, bệnh chữa bệnh số 15/2023/QH15). 


"Bác sĩ nội trú" là chương trình đào tạo dành cho sinh viên y khoa đã hoàn thành chương trình đào tạo bác sĩ y khoa hệ chính quy, chương trình này được thiết kế để đào tạo các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tự chủ trong công tác khám, chữa bệnh, nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Chương trình bác sĩ nội trú ở Việt Nam được đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm, được thực hiện tại các bệnh viện có đủ điều kiện đào tạo, thời gian đào tạo đối với bác sĩ nội trú là 3 năm, trong thời gian này, các bác sĩ nội trú được đào tạo kết hợp vừa bồi dưỡng kiến thức chuyên môn chuyên sâu thuộc các chuyên khoa khác nhau, vừa được rèn kỹ năng lâm sàng và cả kỹ năng nghiên cứu khoa học. Trong suốt quá trình làm bác sĩ nội trú, các bác sĩ có các trách nhiệm sau tuân thủ các quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh, thực hiện đầy đủ các quy chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật trong khám, chữa bệnh và thực hiện các nhiệm vụ khác do người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh phân công. 


Vậy còn khối y tế cơ sở thì sao? Loại hình nào cần được quan tâm và ưu tiên đầu tư để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế, các phòng khám trong cộng đồng (còn gọi là "cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu" theo Luật Khám, bệnh chữa bệnh số 15/2023/QH15), loại hình nào đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cơ bản tại các bệnh viện tuyến huyện (cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản theo Luật Khám, bệnh chữa bệnh số 15/2023/QH15). Cho đến nay vẫn chưa có một định hướng và hướng dẫn rõ ràng về loại hình đào tạo nguồn nhân lực y tế rất quan trọng này cả về số lượng lẫn chất lượng.


Mới đây, Luật Khám bệnh, chữa bệnh có quy định bác sĩ muốn có chứng chỉ hành nghề phải có thời gian thực hành 12 tháng, và theo Dự thảo Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), cơ sở thực hành phù hợp với chức danh nghề nghiệp, đối với chức danh bác sĩ thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động theo hình thức tổ chức là bệnh viện có khoa tương ứng. Theo dự thảo này, quy định nơi thực hành phải là bệnh viện, như vậy, theo hướng chú trọng cho loại hình nhân lực công tác tại bệnh viện hơn là loại hình khám chữa bệnh ban đầu tại y tế cơ sở. 


Tại TPHCM, qua thực tiễn sau gần 2 năm triển thí điểm hướng dẫn thực hành tại bệnh viện gắn liền với thực hành tại trạm y tế cho thấy các bác sĩ đã có những trải nghiệm thực tế trong công tác khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế, tiếp cận được một môi trường làm việc hoàn toàn khác với môi trường bệnh viện giúp các bác sĩ hiểu hơn và cảm thông hơn với mong mỏi của người dân, từ đó có nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn và nhất là có thêm trải nghiệm trong công tác chăm sóc và quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng. Rõ ràng là những mặt tích cực này sẽ khó có được nếu chỉ đào tạo thực hành trong môi trường bệnh viện.


Thử tìm hiểu các quốc gia có hệ thống khám, chữa bệnh ban đầu phát triển mạnh, câu trả lời đã rõ, loại hình bác sĩ "GP" (viết tắt của General Practitioner), có thể tạm dịch là "Bác sĩ thực hành tổng quát" chính là nguồn nhân lực chính đảm trách công tác khám, chữa bệnh ban đầu. Nhiều quốc gia đào tạo loại hình "Bác sĩ thực hành tổng quát" sau khi đã tốt nghiệp chương trình đào tạo bác sĩ y khoa tại các trường đại học, thời gian đào tạo thường trong vòng 12 tháng, phổ biến tại các nước Anh, Úc, Canada và một số nước khác. Tại Anh quốc, các bác sĩ tham gia chương trình đào tạo bác sĩ GP sẽ thực hành tại các phòng khám GP ở các cộng đồng khác nhau trên khắp đất nước, các phòng khám này có thể là công lập, tư nhân hoặc thuộc các tổ chức phi lợi nhuận. Trong năm đầu tiên của chương trình đào tạo, các bác sĩ sẽ thực tập tại một phòng khám GP dưới sự giám sát của một bác sĩ GP có kinh nghiệm. Họ sẽ tham gia vào tất cả các khía cạnh của chăm sóc sức khỏe ban đầu, bao gồm khám bệnh, chẩn đoán, điều trị và tư vấn. Trong các năm tiếp theo, các bác sĩ sẽ tiếp tục thực hành tại các phòng khám GP khác nhau, mỗi phòng khám sẽ tập trung vào một lĩnh vực cụ thể của chăm sóc sức khỏe ban đầu, chẳng hạn như chăm sóc bệnh mạn tính, chăm sóc sức khỏe tâm thần hoặc chăm sóc sức khoẻ trẻ em. Để được nhận vào chương trình đào tạo bác sĩ GP ở Anh quốc, các ứng viên phải có bằng cấp y khoa từ một trường đại học được công nhận và phải vượt qua kỳ thi tuyển sinh.


Có phải "Bác sĩ thực hành tổng quát" chính là "Bác sĩ gia đình" (Family Doctor), câu trả lời ngắn gọn là không, General Practitioner (GP) và Family Doctor (FD) là hai thuật ngữ khác nhau, nhưng có nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều là bác sĩ thực hành tổng quát, chuyên cung cấp chăm sóc sức khỏe ban đầu; Cả hai đều có thể chẩn đoán và điều trị các bệnh thông thường, kê đơn thuốc, và giới thiệu bệnh nhân đến các bác sĩ chuyên khoa khi cần thiết; Cả hai đều có thể làm việc tại các phòng khám, bệnh viện, hoặc các cơ sở chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Điểm khác biệt là: thời gian đào tạo GP thường trong 6 năm (bao gồm 4 năm đầu học y khoa đại cương và 2 năm thực tập), còn FD thường được đào tạo trong 8 năm (bao gồm 4 năm học y khoa đại cương, 3 năm nội trú, và 1 năm thực tập); Phạm vi thực hành: GP thường tập trung vào chăm sóc sức khỏe ban đầu, trong khi FD có thể tham gia nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng hơn. Như vậy, GP và FD là hai thuật ngữ khác nhau, nhưng có nhiều điểm tương đồng. GP thường được đào tạo trong thời gian ngắn hơn và tập trung vào chăm sóc sức khỏe ban đầu, trong khi FD thường được đào tạo trong thời gian dài hơn và có thể tham gia nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng hơn.


Bên cạnh việc tiếp tục bổ sung và hoàn thiện thêm các chính sách giúp bảo đảm y tế cơ sở giữ vai trò tuyến đầu trong phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân theo Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới, mong rằng Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn thực hành khám, chữa bệnh ban đầu tại các bệnh viện gắn liền với thực hành tại y tế cơ sở dành cho các bác sĩ mới tốt nghiệp để được cấp chứng chỉ hành nghề "Bác sĩ thực hành tổng quát", tương đương bác sĩ GP của các nước. Chắc chắn rằng, với quy định mới này sẽ tạo thêm luồng sinh khí mới và bổ sung thêm nguồn nhân lực có chất lượng dành cho y tế cơ sở.

Nguồn:/https://medinet.hochiminhcity.gov.vn/