Thông tin Y tế Thông tin Y tế
Bộ Y tế: Tôn trọng quyền được chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ người dân là nhiệm vụ hàng đầu

Ngày 20/07/2015 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến xin ý kiến báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 46/NQ- TW ngày 23/02/205 về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ trong tình hình mới.

Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bộ Y tế có PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế; đồng chủ trì còn có các Thứ trưởng, đại diện lãnh đạo các Vụ/Cục/ Văn phòng/Đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; Đại diện lãnh đạo Văn phòng chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng quốc hội, lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Lao động – Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Đại diện lãnh đạo Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt nam, các hội, đoàn thể: Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh Việt Nam, Tổng hội Y  học Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố có đại diện thường vụ tỉnh ủy,  Lãnh đạo tại 63 điểm các tỉnh, thành phố, Sở Y tế và các sở ban/ngành, đoàn thể tại địa phương. Ngoài ra, còn có các cơ quan thông tấn báo đài, phóng viên Trung ương và Hà Nội đã đến dự và đưa tin



PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu chỉ đạo hội nghị
 

Phát biểu khai mạc hội nghị PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội. Bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân là hoạt động nhân đạo, trực tiếp bảo đảm nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là một trong những chính sách được Đảng và Nhà nước ưu tiên hàng đầu... Xuất phát điểm như vậy, nghị quyết đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.

 

Trong thời gian qua, hệ thống y tế Việt Nam phát triển đồng thời y tế phổ cập và y tế chuyên sâu, y tế công lập và ngoài công lập, trong đó y tế công lập giữ vai trò chủ đạo, đảm bảo các nhiệm vụ, các lĩnh vực mà tư nhân không hoặc ít có điều kiện tham gia, y tế ngoài công lập đóng vai trò bổ sung, phục vụ các đối tượng có khả năng chi trả, tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu. Người dân, kể cả người có thu nhập cao cũng như người có hoàn cảnh khó khăn đều đã quan tâm đến sức khỏe của mình cũng như người thân trong gia đình, khi có bệnh đã chủ động đến cơ sở y tế để điều trị.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến hy vọng tại hội nghị các đại biểu sẽ thẳng thắn đưa ý kiến cần sửa đổi, bổ sung sau thời gian thực hiện nghị quyết 46 này

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo sơ kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 46

Theo báo cáo sơ kết của Bộ Y tế do GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế trình bày, Trong 10 năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tình trạng sức khỏe nhân dân được cải thiện rõ rệt. Tuổi thọ trung bình năm 2005 năm đầu thực hiện Nghị quyết 46 là 70 tuổi, mục tiêu đến 2010 là 72,0 tuổi, kết quả đạt được năm 2010 là 72,8 tuổi, năm 2014 tăng lên 73,2 tuổi, tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm ngày càng giảm, nhiều bệnh dịch nguy hiểm trước đây đến nay đã được khống chế và đẩy lùi, đã đạt được nhiều mục tiêu Thiên niên kỷgiai đoạn từ 1990 đến 2015 liên quan đến lĩnh vực y tế như: Tỷ lệ tử vong mẹ năm 2005 khoảng 80 trên 100.000 trẻ đẻ sống, mục tiêu đến 2010 là <70, kết quả đạt 68 năm 2010 và 60 năm 2014. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi đã giảm từ 44,4‰ năm 1990 xuống còn 15,8‰ vào năm 2010 (mục tiêu Nghị quyết là <16‰) và 14,9‰ năm 2014. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi cũng đã giảm từ 58‰ xuống còn 23,8‰ vào năm 2010 (mục tiêu Nghị quyết là <25‰), 22,4‰ vào 2014. Tỷ lệ suy dinh dưỡng (thể nhẹ cân) từ 41%  xuống còn 18% vào năm 2010 (mục tiêu Nghị quyết là <20%), 14,5% năm 2014. Đây là những thành tựu đáng ghi nhận, được quốc tế đánh giá cao. Nhân dân ở hầu hết các vùng, miền đã được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn; chỉ số phát triển con người (HDI) và phần lớn các chỉ tiêu tổng quát về sức khoẻ của nước ta đều vượt các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người…

 

Để phù hợp với tình hình mới và khắc phục những tồn tại, bất cập trong những năm qua, Bộ Y tế đã đưa ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Nghị quyết 46 trong thời gian tới gồm:

 

1. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của các cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp liên ngành trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; Tiếp tục đổi mới hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, đảm bảo mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản có chất lượng

 

2. Quan tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu, ưu tiên đầu tư phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở. Tăng cường phòng chống bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao sức khỏe người dân

 

3. Phát triển y học cổ truyền và kết hợp đông tây y; Đổi mới, đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế và tăng cường hợp tác quốc tế

 

4. Đẩy mạnh phát triển ngành dược và trang thiết bị y tế

 

5. Đổi mới cơ chế tài chính trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân

 

6. Cải cách chính sách tiền lương, tăng cường trách nhiệm xã hội đối với thầy thuốc, nâng cao y đức, đổi mới phong cách, tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ y tế;

 

7.Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động y tế

 

8. Tiếp tục thực hiện quản lý chuyên môn y tế theo ngành tại địa phương

 

9.  Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và công tác truyền thông giáo dục nâng cao sức khỏe

 

Tại điểm cầu địa phương đã có đại diện 10 lãnh đạo các Sở Y tế cũng góp ý và đưa ra các tham luận như: Quan điểm Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội; Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe là đầu tư trực tiếp cho phát triển Quản lý y tế theo ngành tại địa phương và Mô hình tổ chức hệ thống y tế tỉnh/huyện/xã; Hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vữc bảo vê, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; Quan điểm về thí điểm cổ phần hóa bệnh vện công; Mô hình nhà đầu tư và bệnh viện công liên kết đầu tư xây dựng bệnh viện; Quan điểm nghề y là một nghề đắc biệt, được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt; Đề xuất đổi mới công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho y tế...

Quang cảnh hội nghị

 

Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị Ban soạn thảo Báo cáo tiếp thu các ý kiến, tổng hợp và chỉnh sửa để sớm hoàn thiện Báo cáo để trình Bộ Chính trị trong thời gian tới. Bộ trưởng đề nghị bổ sung thành tựu nổi bật thời gian qua là: Việt Nam đã đẩy lùi và khống chế được các dịch bệnh mới phát sinh, nguy hiểm; Xây dựng được các bv vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật đã góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên; Việc đổi mới công tác quản lý đã làm giảm 25% giá thuốc;Ứng dụng tốt KHCN trong phòng, chữa bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh quan điểm: Tôn trọng quyền được chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ người dân là nhiệm vụ hàng đầu, cần bổ sung giải pháp về Nâng cao chất lượng Khám, chữa bênh gồm khuyến khích phát triển mạng lưới Bác sĩ gia đình; củng cố y tế cơ sở theo Chỉ thị số 06; phát triển nguồn nhân lực quản lý bệnh viện; xây dựng theo đúng lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân. Không khuyến khích cổ phần hóa bệnh viện công mà chỉ khuyến khích đầu tư bệnh viện tư nhân, không để "công", "tư" lẫn lộn trong mô hình bệnh viện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân trong thời kỳ mới... Nhà nước sớm đầu tư ngân sách cho ngành y tế theo mức độ phát triển GDP hàng năm và tạo cơ chế tự chủ để tăng nguồn thu cho các đơn vị sự nghiệp./.

 

Nguồn: Ban Biên tập Cổng TTĐTBYT