Thông tin Y tế Thông tin Y tế
Tán sỏi ngoài cơ thể: Điều trị sỏi thận hiệu quả, an toàn

Tán sỏi ngoài cơ thể là phương pháp điều trị sỏi thận không xâm lấn, giúp người bệnh không phải nằm viện, giảm thời gian và chi phí điều trị. Hiện nay, bệnh nhân có thể được điều trị tán sỏi ngoài cơ thể an toàn và hiệu quả ngay tại Bệnh viện Bà Rịa.

Một bệnh nhân đang được tán sỏi thận ngoài cơ thể.

Ông Đặng Đăng Dung, 69 tuổi ở xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu vừa được điều trị thành công sỏi thận bằng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể tại Bệnh viện Bà Rịa. Ông Dung cho biết, ông bị sỏi thận cách đây gần 20 năm, và đã trải qua 2 lần mổ hở để gắp sỏi. Đến tháng 5-2015, ông lại tái phát sỏi thận (kích thước 9 ly) và lần này ông được chỉ định điều trị bằng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể. Thay vì phải nằm viện như trước đây, với phương pháp này, chỉ mất 30 phút tán sỏi và 60 phút nghỉ ngơi tại bệnh viện, ông Dung đã có thể về nhà. Tại nhà, ông Dung kết hợp dùng thuốc, uống nhiều nước và massage vùng bụng theo dặn dò của bác sĩ, cộng với tái khám kiểm tra định kỳ. Sau thời gian điều trị tích cực, ông Dung đã hồi phục và không còn sỏi thận.

Ông Đặng Văn Dung là một trong những bệnh nhân đã điều trị thành công sỏi thận bằng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể tại Bệnh viện Bà Rịa. Bắt đầu thực hiện từ năm 2011, đến nay Bệnh viện Bà Rịa đã điều trị thành công nhiều ca sỏi thận bằng phương pháp này. Nhờ đó, số ca sỏi thận phải mổ hở giảm dần. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, bệnh viện điều trị từ 2 đến 3 ca sỏi thận bằng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể. Với phương tiện, máy móc đã được trang bị mới (kể từ khi bệnh viện chuyển sang cơ sở vật chất mới), thời gian thực hiện các ca tán sỏi cũng rút ngắn hơn trước khá nhiều.

Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Phúc, chuyên khoa Ngoại niệu, Bệnh viện Bà Rịa cho biết, kỹ thuật tán sỏi ngoài cơ thể dựa trên nguyên tắc dùng sóng xung kích để tán vỡ sỏi thận, sỏi niệu quản trong cơ thể người bệnh mà không qua phẫu thuật. Các mảnh sỏi vụn sẽ tự thoát ra qua niệu quản xuống bàng quang và theo đường tiểu tiện ra ngoài. Kỹ thuật tán sỏi ngoài cơ thể được chỉ định thực hiện với bệnh nhân có kích thước sỏi từ 10 ly đến 2 cm. Ưu điểm của kỹ thuật này là bệnh nhân không phải phẫu thuật, giảm thiểu các tai biến, thời gian tán sỏi chỉ từ 30-45 phút, bệnh nhân phục hồi nhanh và có thể xuất viện ngay sau khi tán sỏi thành công.

Việc tán và theo dõi sỏi cũng khá đơn giản và không gây đau đớn nhiều cho bệnh nhân. Trước khi bắt đầu tán sỏi, bệnh nhân được cho uống một viên thuốc giảm đau. Sau khi tán xong trở về nhà, bệnh nhân được hướng dẫn tự theo dõi trong vòng 5 ngày, nếu có những dấu hiệu tiểu ra máu, sốt thì nhập viện ngay lập tức. Bệnh nhân cần uống nhiều nước trong vài ngày để những mảnh sỏi nhỏ có thể bài tiết theo đường tiểu.

Theo bác sĩ Phúc, ngoài kích thước sỏi không quá lớn (dưới 2 cm) thì tùy vào vị trí của sỏi cũng quyết định việc có áp dụng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể được hay không, hoặc kết hợp sử dụng với các phương pháp khác như nội soi tán sỏi bằng lazer.

Tuy được đánh giá cao về tính hiệu quả, nhưng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể vẫn chống chỉ định trong một số trường hợp như: sỏi cystin, sỏi uric quá rắn hoặc sỏi bùn. Sỏi gây biến chứng nhiễm khuẩn đường tiểu hoặc ở những bệnh nhân có đường tiểu dị dạng hay hẹp. Sỏi ở những bệnh lý thận có sẵn như u thận, lao thận, xơ cứng cổ bàng quang... Bệnh nhân có rối loạn về tim mạch, nhất là bị loạn nhịp tim, bệnh rối loạn đông máu thì cũng không nên áp dụng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể.

Bài, ảnh: NGUYỄN TH