Hoạt động Hoạt động
Phòng tránh tai nạn do điện giật

Vừa qua, Bệnh viện Bà Rịa đã cứu sống một trường hợp bị điện giật chết lâm sàng. Nguyên nhân do nạn nhân đạp phải dây điện dưới chân trong lúc cắm điện máy bơm nước tưới rau. May mắn là người nhà đã phát hiện kịp thời và đưa nạn nhân đến Bệnh viện Bà Rịa. Bệnh nhân nhập viện tại Khoa Cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, ngưng tim, ngưng thở. Các bác sĩ Khoa Cấp cứu đã phối hợp kịp thời với Khoa Hồi sức tích cực chống độc đã cứu sống được bệnh nhân.

Một trường hợp bị điện giật được bệnh viện cứu sống.

Một trường hợp bị điện giật được bệnh viện cứu sống.

Bác sĩ Lâm Tuấn Tú, Khoa Hồi sức tích cực chống độc cho biết, trung bình, cứ hai tháng tại khoa lại tiếp nhận 1 ca cấp cứu do tai nạn điện giật. Đa số các tai nạn thường rất nặng, phải hồi sức tích cực và tỷ lệ cứu sống bệnh nhân chỉ đạt khoảng 50%. Nếu nạn nhân được phát hiện kịp thời, không bỏ lỡ "thời gian vàng" thì khả năng cứu sống sẽ cao hơn.

Khi phát hiện người bị điện giật, trước tiên cần tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện. Sử dụng găng tay cao su (trong trường hợp không có sẵn găng tay cao su có thể sử dụng túi ni lông, đứng trên tấm ván gỗ (hoặc thảm nhựa, vải bạt ni lông), dùng gậy gỗ khô gạt dây điện ra khỏi cơ thể nạn nhân. Đối với trường hợp điện áp cao, cần ngắt điện cầu dao trước, sau đó mới lại gần nạn nhân để tiến hành sơ cứu. Nếu người bị nạn ở trên cao, cần bố trí đỡ người bị nạn khi rơi xuống.

Đối với mạng điện hạ áp có thể ngắt điện bằng cầu dao, rút phích, rút công tắc, rút cầu chì. Dùng dao cán gỗ khô để chặt đứt dây điện. Dùng găng tay cao su hoặc vải khô lót tay kéo người bị nạn ra. Không chạm vào dây dẫn ở gần người bị nạn, không nắm vào người bị nạn. Sau khi tách được nguồn điện ra khỏi người bị nạn, cần đặt nạn nhân nơi thoáng mát, tiến hành sơ cứu và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế kịp thời.

Qua các vụ tai nạn điện giật cho thấy, nguyên nhân gây ra tai nạn thường do bất cẩn từ phía người bị nạn, hoặc sử dụng nguồn điện không an toàn. Do đó, để hạn chế mức thấp nhất tai nạn điện xảy ra, cần lắp đặt hệ thống điện một cách an toàn nhất. Toàn bộ hệ thống ổ cắm điện trong nhà nên để ở những vị trí che khuất. Với những ổ cắm  điện chưa được sử dụng, cần che chắn và bao bọc bởi các thiết bị bịt ổ điện an toàn. Đối với những gia đình có trẻ em, tuyệt đối không để các dụng cụ điện, dây dẫn điện ngang tầm tay trẻ. Không cho trẻ chơi đùa gần các thiết bị điện như ổ điện, quạt điện, phích điện… Không nên để các thiết bị điện trong nhà gần nguồn nước. Khi tay bị ướt không được chạm vào các thiết bị điện. Nếu một thiết bị điện bị rơi vào nguồn nước, hãy ngắt nguồn điện trước khi lấy ra.

Khi sử dụng máy bơm nước để tưới rau, cần thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, đeo găng tay và giầy đế cao su, hoặc giày nhựa khi tưới rau. Hệ thống điện trong gia đình cũng cần thường xuyên được kiểm tra, bảo trì. Khi thiết bị điện hư hỏng cần sửa chữa, phải dùng đồ bảo hộ an toàn như găng tay, ủng, kìm, bút thử điện… Trong trường hợp cần thiết, hãy nhờ thợ điện chuyên nghiệp sửa chữa để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình khỏi tai nạn điện giật…

Bài, ảnh: MINH THIÊN